Kiến nghị cấp phép thêm một hãng hàng không mới ở Việt Nam

Vietstar Airlines sẽ tham gia thị trường hàng không trong nước với tư cách là nhà vận chuyển hành khách kết hợp hàng hóa và vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam.
Kiến nghị cấp phép thêm một hãng hàng không mới ở Việt Nam ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines).

Theo đó, Vietstar Airlines sẽ tham gia thị trường hàng không trong nước với tư cách là nhà vận chuyển hành khách kết hợp hàng hóa và vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam.

Trong giai đoạn 5 năm đầu hoạt động, hãng hàng không này dự kiến khai thác đội tàu bay gồm 3 chiếc Boeing 737/Airbus320. Hãng cũng đã xuất trình được thỏa thuận thuê 3 tàu bay Boeing 737 với một công ty cho thuê máy bay.

Về vốn của hãng, theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho đến ngày 31/12/2015, vốn điều lệ của công ty là 800 tỷ đồng, còn góp của chủ sở hữu là 700 tỷ và vốn chủ sở hữu đạt 652,7 tỷ đồng. Tại thời điểm này, công ty còn thiếu 47,3 tỷ đồng so với yêu cầu vốn tối thiểu đối với hãng hàng không vận chuyển hành khách, hàng hóa quốc tế và nội địa quy định tại Điều 8 Nghị định số 30/2013/NĐ-CP.

Đối với phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm, Vietstar Airlines đã xây dựng phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm rõ ràng với các mục tiêu phát triển và chỉ tiêu kế hoạch cụ thể cho giai đoạn hoạt động 5 năm đầu với thị trường mục tiêu và đường trục nội địa Bắc-Nam, khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á; định hướng xây dựng là hãng hàng không vận chuyển hành khách kết hợp hàng hóa và vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam.

“Phương án kinh doanh có phân tích, đánh giá chi tiết về thị trường vận tải hành khách, hàng hóa, phân tích cạnh tranh, xác định nhu cầu và dự báo phát triển, có kế hoạch phát triển mạng đường bay và kế hoạch phát triển đội tàu bay phù họp với nhu cầu. Có kế hoạch phân phối sản phẩm và quy trình dịch vụ đồng bộ. Công ty xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu gồm logo, biểu tượng riêng phù hợp với hoạt động kinh doanh của Công ty,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục