Bổ sung đối tượng hưởng gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng là một trong những kiến nghị được Bộ Xây dựng trình lên Thủ tướng Chính phủ nhằm đẩy nhanh tiến độ và tăng tính hiệu quả của gói cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân cải thiện chỗ ở.
Sau khi thống nhất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh một số quy định có liên quan đến gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng như: kéo dài thời hạn trả nợ từ 10 năm lên 15 năm (đối với khách hàng là cá nhân); mở rộng đối tượng vay để mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỷ đồng (không khống chế về diện tích và đơn giá).
Các hộ dân ở vùng thường xuyên xảy ra bão lũ thuộc các tỉnh duyên hải, Miền Trung đã có đất ở phù hợp với quy hoạch nhưng khó khăn về nhà ở (chưa có nhà hoặc có nhà ở nhưng xuống cấp hư hỏng) cũng trong nhóm đề nghị được mở rộng cho vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở với lãi suất 4%/năm.
Cùng đó là các hộ dân ở đô thị; cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở (chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng xuống cấp hư hỏng) được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở, nhưng tổng số vốn vay không quá 80% tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất - không quá 1,05 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các hợp đồng mua nhà ở xã hội đã ký trước 7/1/2013 mà chưa thanh toán hết tiền mua nhà (đối với khoản tiền chưa nộp theo tiến độ) cũng được Bộ Xây dựng kiến nghị bổ sung vào nhóm được vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng.
Để giải ngân nhanh gói hỗ trợ ưu đãi này, ngoài 5 ngân hàng thương mại nhà nước, việc bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước được phép tổ chức triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng cũng nên được xem xét – Bộ Xây dựng đề xuất.
Tính đến hết ngày 15/3/2014, các ngân hàng đã cam kết cho vay 3.048 khách hàng với tổng số tiền là 2.909 tỷ đồng. Trong số các hồ sơ đang thụ lý, các ngân hàng đã tiến hành giải ngân cho 3.023 khách hàng với dư nợ cho vay đạt 1.322 tỷ đồng, tăng 64% so với kết quả giải ngân tính đến thời điểm 31/12/2013.
Sở dĩ tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng vẫm chậm là do một số ngân hàng vẫn thận trọng trong việc xác định đối tượng vay. Cùng đó, chính quyền cơ sở tại địa phương chưa quán triệt chủ trương, chính sách nên việc triển khai xác nhận đối tượng vẫn còn nhiều phiền hà, chậm chễ, gây bức xúc trong xã hội./.