Kiến nghị bổ sung các đối tượng của Kiểm toán Nhà nước

Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) là bổ sung đối tượng kiểm toán và làm rõ sự phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 15/8, trong buổi làm việc cuối của Phiên họp thứ 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên cho ý kiến về dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi).

Một số ý kiến tại buổi làm việc đề nghị bổ sung đối tượng kiểm toán và làm rõ vai trò của Quốc hội trong việc giám sát, xử lý kiến nghị, kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Bổ sung đối tượng của Kiểm toán Nhà nước

Sau hơn tám năm thực hiện, Luật Kiểm toán Nhà nước đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn; đặc biệt là phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 với các quy định mới về Kiểm toán Nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Từ lý do đó, việc sửa đổi Luật Kiểm toán Nhà nước nhằm bảo đảm tính độc lập cao đối với hoạt động Kiểm toán Nhà nước; hoàn thiện địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước, tương xứng vị trí, vai trò của Kiểm toán Nhà nước với tư cách là cơ quan kiểm tra tài chính công cao nhất của Nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; phân định rõ vị trí, chức năng của Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát khác của Nhà nước, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu quản lý tài chính, tài sản công.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) là đối tượng kiểm toán. Theo đó, dự thảo đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, quy định cụ thể đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là hoạt động có liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, gồm thu, chi ngân sách nhà nước các cấp; quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước; nguồn tài chính công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; các khoản nợ công; đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản; nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời; các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý; Tài chính, tài sản công khác.


Làm rõ sự phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan của Quốc hội

Cơ quan thẩm tra dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) - Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng Dự thảo luật còn có một số quy định chưa đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành như quy định trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội chưa thống nhất với Luật tổ chức Quốc hội, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân chưa thống nhất với Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; thẩm quyền của Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc quy định gửi báo cáo tài chính chưa thống nhất với Luật kế toán và Luật Ngân sách Nhà nước ; quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong hoạt động Kiểm toán Nhà nước chưa bao quát, thống nhất với Luật khiếu nại...

Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, cơ quan soạn thảo cần cụ thể hóa trong dự thảo về những hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, cản trở công việc của kiểm toán Nhà nước.

Cơ quan soạn thảo cần đối chiếu với dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) trong việc quy định trách nhiệm phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng cho rằng việc liệt kê đối tượng kiểm toán như dự thảo chưa đầy đủ, thiếu một số tổ chức quan trọng bắt buộc phải kiểm toán như Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế.

Nhấn mạnh đến vai trò của Quốc hội trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng cơ quan Kiểm toán Nhà nước là vũ khí của Quốc hội trong kiểm soát, đánh giá việc sử dụng Ngân sách Nhà nước, tài sản công. Dó đó, dự thảo Luật cần đề cao vai trò của Quốc hội trong giám sát, xử lý các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với các cơ quan, đơn vị bị kiểm toán.

“Quốc hội phải là trọng tài phán quyết kết luận của Kiểm toán Nhà nước đối với cơ quan bị kiểm toán,” Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh.

Một số ý kiến tại buổi làm việc cũng góp ý dự thảo nên có quy định cụ thể trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong việc theo dõi, đôn đốc việc xử lý các kiến nghị của mình. Dự thảo cần có các quy định đảm bảo tính độc lập trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước trên nguyên tắc cơ quan, đơn vị đã sử dụng Ngân sách Nhà nước thì phải kiểm toán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục