Kiên Giang xây dựng, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi 4 vùng sinh thái

Hiện tại, hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu tại 3 vùng sinh thái trọng điểm trong đất liền của tỉnh là Tây sông Hậu, Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng.
Cống Cái Bé thuộc Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé tại Kiên Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tỉnh Kiên Giang đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại 4 vùng sinh thái gồm Tây sông Hậu, Tứ giác Long Xuyên, U Minh Thượng, vùng đồi núi, hải đảo ở Phú Quốc và Kiên Hải.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết tuy chưa hoàn thiện đồng bộ, nhưng nhìn chung, hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu tại 3 vùng sinh thái trọng điểm trong đất liền của tỉnh là Tây sông Hậu, Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng.

Hệ thống thủy lợi đã hỗ trợ, phục vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô trên đạ bàn tỉnh. Vận hành hệ thống cống thủy lợi tuyến đê biển, đê bao chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất.

Toàn tỉnh hiện có hơn 550 cống, 9 hồ chứa, 279 trạm bơm và hệ thống thủy lợi bờ bao kết hợp đường giao thông ven các tuyến kênh đảm bảo tiêu nước, giảm ngập nước vào mùa mưa lũ, tiêu độc, rửa phèn cho khoảng 450.000ha đất sản xuất nông-lâm nghiệp.

Tỉnh từng bước hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, nhất là các cống đang vận hành khai thác đã tiến hành cải tạo cửa van hoàn thành 7 cống và tiếp tục triển khai 2 cống để chủ động trong vận hành đóng-mở, sẵn sàng kết nối vận hành SCADA (cửa van vận hành tự động theo thủy triều trở thành cửa van vận hành chủ động và hệ thống kết nối, tự động hóa công tác vận hành).

Tỉnh triển khai đầu tư xây dựng 18 cống sử dụng hệ thống vận hành cửa van hiện đại bằng xy lanh thủy lực, có cổng để kết nối SCADA khi có yêu cầu.

[Xâm nhập mặn tại ĐBSCL tăng cao, việc tích nước thủy lợi gặp khó]

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, cho biết đơn vị phối hợp chặt chẽ với các địa phương vận hành đóng mở cống tuyến đê biển Rạch Gía-Kiên Lương, An Biên-An Minh, tuyến đê bao Ô Môn-Xà No thuộc huyện Giồng Riềng, Gò Quao cùng cống thủy lợi trên địa bàn thành phố Rạch Giá và 2 huyện Châu Thành, U Minh Thượng để phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, dự án đầu tư xây dựng công trình Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé giai đoạn 1 hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 11/2021 đã góp phần đảm bảo an toàn nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân ở các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, giảm chi phí, tiết kiệm ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng đầu tư đắp đập tạm ngăn mặn mùa khô hàng năm.

Ông Toàn cho biết việc tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống thủy lợi đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng hàng hóa, sản xuất tập trung, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị, phát huy được tiềm năng lợi thế của từng vùng.

Cùng với đó, tỉnh thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án thúc đẩy quá trình chuyển đổi tăng dần số lượng sử dụng giống lúa chất lượng cao, chuyển giao quy trình canh tác lúa tiên tiến như “3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm," mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao bằng máy sạ theo bụi, mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao bằng máy cấy và canh tác lúa hữu cơ trên nền đất nuôi tôm tại các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ 2020-2025, chịu ảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 và lạm phát toàn cầu, ngành nông nghiệp trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế địa phương.

Trong 7 tháng của năm 2023, tỉnh đã gieo trồng và thu hoạch hơn 349.580ha lúa vụ Mùa và Đông Xuân 2022-2023, gieo trồng các giống lúa chất lượng cao chiếm 98,5% diện tích, tổng sản lượng trên 2,5 triệu tấn lúa. Vụ lúa Hè Thu và Thu Đông 2023, đến nay tỉnh đã gieo trồng hơn 342.330ha; trong đó, lúa Hè Thu hơn 277.600ha, đã thu hoạch gần 100.000ha, sản lượng trên 536.000 tấn.

Cùng đó, diện tích thả nuôi tôm nước lợ khoảng 134.500ha, đạt 97,8% kế hoạch với sản lượng thu hoạch hơn 93.950 tấn, đạt 78% kế hoạch, tăng 15,4% so cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, các địa phương phát triển sản xuất, trồng rau màu và cây ăn quả các loại duy trì ổn định. Đặc biệt là chuyên canh cây ăn quả các loại có xu hướng tăng do mang lại hiệu quả kinh tế cao như xoài, sầu riêng, măng cụt, cây có múi…

Tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững và hiệu quả. Cụ thể là phát triển thủy lợi đa mục tiêu, ưu tiên công trình thủy lợi chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, luân canh cây trồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục