Sau khi nghị án và mở lại phiên tòa vào chiều 6/10, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt đối với các bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (trước đó, phiên tòa xét xử sơ thẩm đã diễn ra trong hai ngày 28 - 29/9).
Theo đó, Trần Hữu Thọ (47 tuổi) bị phạt tù chung thân và bị bắt tại tòa (trước đó cho tại ngoại); Huỳnh Văn Trong (58 tuổi) bị phạt 18 năm tù giam; Võ Thanh Tuyến (30 tuổi, con rể Thọ) bị phạt 8 năm tù giam và bị bắt tại tòa (trước đó cho tại ngoại); Trần Thị Mỹ Chi (25 tuổi – con Thọ) bị phạt 6 năm tù giam; Lâm Tuấn Phát (35 tuổi) bị phạt 14 năm tù giam; Phạm Thị Thanh Thủy (36 tuổi – vợ Phát) bị phạt 7 năm tù giam; Lưu Văn Toàn Thắng (35 tuổi) bị phạt 8 năm tù giam và Võ Phê Rô (40 tuổi) bị phạt 2 năm 1 tháng 6 ngày tù giam (bằng với thời gian tạm giam).
Ngoài ra, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang còn tuyên buộc các bị cáo liên đới bồi thường cho Nhà nước số tiền hoàn thuế bất hợp pháp gần 110 tỷ đồng, trong đó bị cáo Trần Hữu Thọ phải hoàn trả cho Nhà nước số tiền gần 75 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, cuối năm 2009, Trần Hữu Thọ, ngụ xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, nhận thấy cơ chế chính sách đối với các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Campuchia có nhiều điểm thông thoáng, nên nảy sinh ý định thực hiện việc xuất khẩu hàng hóa, lập hồ sơ hoàn thuế khống nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước. Thế nhưng, muốn doanh nghiệp hoàn thuế thì phải đứng ra thành lập doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu, có mua hàng hóa đầu vào, sau đó tìm đối tác bên Campuchia ký hợp đồng ngoại thương để xuất bán hàng sang Campuchia.
Toàn bộ các chứng từ thể hiện quá trình mua bán, như có hóa đơn hàng hóa mua vào, bán ra; tờ khai hải quan về xuất khẩu hàng hóa; tờ khai hải quan về nhập khẩu phi mậu dịch; chứng từ thanh toán tại ngân hàng… sẽ được sử dụng để lập hồ sơ hoàn thuế theo quy định của cơ quan thuế. Tuy nhiên, nghiên cứu thực tế, Thọ phát hiện ra nhiều sơ hở trong quá trình hoàn thuế, như việc ký các hợp đồng với đối tác bên phía Campuchia, còn việc bán có đúng đối tác theo hợp đồng hay không thì không có cơ quan, đơn vị nào kiểm tra. Sau khi nắm được toàn bộ những sơ hở của quy trình hoàn thuế, Thọ tiến hành lập lần lượt 3 doanh nghiệp nhằm mục đích chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước.
Bằng cách thức và quy trình trên, từ tháng 2/2010 – 7/2013, Thọ đã sử dụng tổng doanh số mua vào của 3 doanh nghiệp là trên 816 tỷ đồng trong đó doanh số mua vào (khống 70%, thật 30%) từ các công ty khác là 681 hóa đơn, tổng trị giá gần 680 tỷ đồng.
Như vậy, Thọ cùng với Võ Thanh Tuyến, Trần Thị Mỹ Chi sử dụng toàn bộ doanh số hóa đơn đã mua và doanh số bán lẻ cho người mua không cần hóa đơn rồi xuất khống qua Campuchia với tổng doanh số hơn 1.100 tỷ đồng, để lập hồ sơ hoàn thuế, được hoàn thuế và chiếm đoạt số tiền hoàn thuế gần 75 tỷ đồng.
Bị cáo Huỳnh Văn Trong, ngụ xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên cũng có hành vi tương tự như Thọ. Và từ tháng 10/2010 – 6/2013, Trong đã sử dụng tổng doanh số đầu vào trên 126 tỷ đồng, sau đó lập hồ sơ hoàn thuế, được hoàn thuế và chiếm đoạt số tiền trên 35,5 tỷ đồng.
Đối với bị cáo Lâm Tuấn Phát và Phạm Thị Thanh Thủy, đã xuất bán cho các doanh nghiệp của Thọ và của Trong để hưởng lợi bất chính trên 18 tỷ đồng. Lưu Văn Toàn Thắng cũng xuất cho các doanh nghiệp của Thọ để hưởng lợi bất chính số tiền trên 354 triệu đồng; Võ Phê Rô cũng với hành vi tương tự để hưởng lợi 20 triệu đồng (đã nộp tiền khắc phục)./.