Kiên Giang: Truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng

Sáng 29/4, tỉnh Kiên Giang tổ chức Lễ truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng cho 54 mẹ, trao Huân chương Độc lập cho 22 gia đình có nhiều liệt sỹ, có nhiều đóng góp to lớn cho giải phóng dân tộc.
Kiên Giang: Truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng ảnh 1Truy tặng danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam Anh hùng. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Trong không khí cả nước chào mừng kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2021), sáng 29/4, tỉnh Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ truy tặng danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam Anh hùng cho 54 mẹ và trao Huân chương Độc lập cho 22 gia đình có nhiều liệt sỹ, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành bày tỏ việc truy tặng danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam Anh hùng và tặng thưởng Huân chương Độc lập cho các gia đình có nhiều liệt sỹ thể hiện ý Đảng, lòng dân, là sự ghi nhận của Tổ quốc đối với công lao và sự mất mát, hy sinh vô bờ bến của các Mẹ, các gia đình có nhiều liệt sỹ.

Đây còn là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, sự ghi nhận và biết ơn của xã hội đối với những gia đình có công với cách mạng; qua đó góp phần nâng cao nhận thức về truyền thống yêu nước và đạo lý "uống nước nhớ nguồn" trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Để ghi nhận công lao đóng góp của các gia đình có công với cách mạng trên toàn tỉnh, Kiên Giang đã tổ chức 8 đợt lễ phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Mẹ Việt Nam Anh hùng. Tính đến thời điểm này, tỉnh Kiên Giang có 1.744 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự này, có 65 gia đình có nhiều liệt sỹ được tặng thưởng Huân chương Độc lập các hạng.

[Chân dung những người mẹ Việt qua ống kính nhiếp ảnh gia Trần Hồng] 

Tỉnh Kiên Giang trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm là vùng căn cứ cách mạng, có nhiều đơn vị bộ đội chủ lực và các lực lượng cách mạng tham gia chiến đấu và hy sinh. Sau năm 1975, trong Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, nhiều cán bộ, chiến sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã hy sinh.

Đến nay, tỉnh Kiên Giang có trên 120.000 người có công với Cách mạng đã được công nhận và thực hiện chế độ chính sách theo quy định. Tỉnh đã xác nhận và giải quyết chế độ cho 1.750 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 15.415 liệt sỹ, 9.347 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, trợ cấp thờ cúng gần 10.000 liệt sỹ.

Ngoài ra, giải quyết chế độ cho 1.771 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 855 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày, hơn 11.668 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, gần 200 người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng khen cấp bộ. Ngoài ra còn có 8.327 người có công giúp đỡ cách mạng được công nhận và thực hiện chế độ.

Trong những năm qua, các ngành, các cấp trong tỉnh Kiên Giang đã triển khai kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công, thực hiện đúng và đầy đủ các chế độ ưu đãi người có công, giải quyết tốt các vấn đề phát sinh, không để tồn đọng kéo dài.

Cùng với nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, nhiều tổ chức và cá nhân đã tham gia đóng góp Quỹ đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ kinh phí xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng được trên 20.000 căn nhà, tặng sổ tiết kiệm cho gia đình có công với cách mạng. 100% các Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được nhận phụng dưỡng, chăm sóc. Các chế độ chính sách được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đời sống vật chất và tinh thần của người có công được nâng cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục