Kiên Giang triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó với thiên tai

Các địa phương theo dõi, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trên toàn tuyến đê biển Tây, nhất là những đoạn có nguy cơ sạt lở cao để khắc phục, kịp thời ứng cứu khi xảy ra sạt lở.
Kiên Giang triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó với thiên tai ảnh 1Khu vực bờ biển Tây Cà Mau bị sạt lở, đoạn giáp ranh xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Tỉnh Kiên Giang chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong những tháng cuối năm 2020 được dự báo tình hình thời tiết sẽ diễn biến phức tạp.

Tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh phối hợp với các sở, ngành chức năng có liên quan và các huyện, thành phố triển khai kế hoạch phòng chống, ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ.”

Tỉnh thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên biển khi xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới; quản lý, vận hành hiệu quả hệ thống thoát lũ ra biển Tây, chống ngập úng bảo vệ sản xuất, đời sống dân sinh vùng Tứ giác Long Xuyên.

[Kiên Giang trình Chính phủ về việc thành lập thành phố Phú Quốc]

Ngoài ra, các đơn vị rà soát thi công gia cố, bồi trúc, nâng cấp các tuyến đê bao xung yếu trên địa bàn bảo đảm an toàn cho sản xuất, nhất là vụ lúa Hè Thu và Thu Đông đang đứng trên đồng, đề phòng lũ lớn gây thiệt hại, sửa chữa nhanh các cống thủy lợi bị hư hỏng để điều tiết nguồn nước.

Tỉnh chỉ đạo đơn vị chức năng xử lý khắc phục khẩn cấp sạt lở đê biển nghiêm trọng tại khu vực vàm Tiểu Dừa, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh tiếp giáp với tỉnh Cà Mau để đề phòng các đợt triều cường dâng cao, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Các địa phương theo dõi, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trên toàn tuyến đê biển Tây, nhất là những đoạn có nguy cơ sạt lở cao để khắc phục, kịp thời ứng cứu khi xảy ra sạt lở.

Các đơn vị có liên quan phối hợp với huyện Kiên Lương khẩn trương thực hiện sắp xếp bố trí, di dời 116 hộ dân đang sinh sống ở khu vực sạt lở đá núi Ba Hòn vào dự án tái định cư; tăng cường thông tin, cảnh báo tình trạng sạt lở đá cho người dân trong và ngoài khu vực này về sự nguy hiểm của đá rơi để chủ động phòng tránh, không được chủ quan.

Kiên Giang triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó với thiên tai ảnh 2Đê biển Tây tại khu vực vàm Tiểu Dừa, xã Vân Khánh Tây (An Minh, Kiên Giang) bị sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Các địa phương thành lập các đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ, giúp người dân chằng chống nhà ở đề phòng thiệt hại do mưa bão và sẵn sàng làm nhiệm vụ ứng cứu, giúp dân khi có tình huống xấu xảy ra; theo dõi thường xuyên mọi diễn biến thời tiết về mưa, lũ, bão, áp thấp nhiệt đới... để cùng nhân dân chủ động phòng tránh.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm đến nay, tình hình thiên tai diễn biến bất thường, cực đoan xảy ra trên địa bàn tỉnh như hạn hán, xâm nhập mặn, bão, áp thấp nhiệt đới, dông lốc, sét, sạt lở... gây thiệt hại tính mạng và tài sản nhân dân.

Hậu quả đã làm sập 175 căn nhà dân, tốc mái 446 căn, sét đánh chết 3 người, bị thương 3 người do dông lốc. Riêng trong 4 ngày đầu tháng 8 (1-4/8), do ảnh hưởng cơn bão số 2, thiên tai tiếp tục gây thiệt hại tài sản ước tính ban đầu hơn 7,2 tỷ đồng.

Mưa dông, gió giật mạnh đã làm một người bị thương, làm 140 căn nhà bị đổ sập, 376 căn bị tốc mái và 32 căn bị ngập nước.

Tại huyện Phú Quốc, sóng to, gió lớn đã làm 7 chiếc ghe nhỏ bị chìm và làm đổ ngã một số cây xanh trên đường.

Tiếp đến, tại huyện Kiên Hải, mưa lớn, lốc xoáy làm 1 tàu hàng, 1 tàu đánh cá bị chìm, và gây hư hỏng một đoạn lộ giao thông nông thôn.

Tại huyện U Minh Thượng, mưa lớn, lốc xoáy, gió giật mạnh làm đổ ngã 1.345ha chuối, thiệt hại trên 70%.

Ngoài ra, mưa dông kết hợp với triều cường gây ngập úng, đổ ngã khoảng 6.300ha lúa Hè Thu ở các huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên, Giồng Riềng; hơn 2.360ha lúa Thu Đông ở thành phố Rạch Giá và huyện Giồng Riềng bị ngập nước, đổ ngã. Nông dân ở những địa phương này đã tập trung bơm tát nước ra cứu lúa, hạn chế thiệt hại.

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Kiên Giang cho biết: Ngoài việc tập trung lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, dựng lại nhà ở tạm thời, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức đoàn thể xã hội các huyện, thành phố đến những hộ dân bị thiệt hại động viên tinh thần, thăm hỏi, hỗ trợ vật chất để góp phần cho các hộ dân ổn định cuộc sống đồng thời huy động nguồn lực trong nhân dân, cộng đồng xã hội chia sẻ, tiếp sức hộ dân bị nạn vượt qua khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục