Tối 15/2 (tức Rằm tháng Giêng năm Nhâm Dần 2022), tại thành phố Rạch Giá, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 20 - năm 2022 với chủ đề “Hãy sống và hy vọng.”
Đây là một sinh hoạt văn hóa nghệ thuật gồm nhiều hoạt động khá phong phú nhân dịp đầu Xuân năm mới.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang - soạn giả Nguyễn Thiện Cẩn nhấn mạnh, nằm ở cuối trời Tây Nam của Tổ quốc, tỉnh Kiên Giang với Hà Tiên thập cảnh đã làm đề tài cho biết bao nhà thơ ngâm vịnh xướng họa.
Tao đàn Chiêu Anh Các được Mạc Thiên Tích dựng cờ khai sáng từ năm 1736, đến nay trải qua 286 năm vẫn còn vang mãi tiếng thơm với hai câu thơ: “Từ phú tăng hoa văn hiến quốc/Văn chương cao ngật Trúc Bằng Thành.”
Nối tiếp truyền thống thơ văn của cha ông, ngày nay, những người con ưu tú trên quê hương Kiên Giang và của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã góp mặt trên văn đàn cả nước, làm phong phú thêm kho tàng văn chương Việt Nam. Đồng thời, làm sáng thêm cái chất Chiêu Anh của quê hương thơ mộng miền biên ải.
Hồn thơ văn Chiêu Anh Các một thời lừng danh, với những cảnh sắc Hà Tiên được khắc họa, chính là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận của nhiều thế hệ tao nhân mặc khách trong gần ba thế kỷ qua.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 20 trong tiết Nguyên Tiêu xuân Nhâm Dần là dịp để văn nghệ sỹ Kiên Giang cùng nhau họp mặt, thưởng trăng, vịnh nguyệt, để hồn Chiêu Anh được sống lại.
Từ đây, tâm hồn nghệ sỹ có dịp thăng hoa, sáng tạo thêm cho đời những tác phẩm văn chương nghệ thuật, góp phần tô điểm cho vườn hoa nghệ thuật thêm hương sắc, cho truyền thống Chiêu Anh Các được gìn giữ và phát huy đến tận mai sau.
Đến với đêm thơ, khán giả yêu thơ được thưởng thức các tiết mục ngâm thơ cùng nhiều giai điệu mượt mà, thiết tha của các văn nghệ sỹ tỉnh Kiên Giang.
Đặc biệt, khán giả còn được dịch giả Trần Hót Lái giới thiệu nguyên tác chữ Hán, dịch chữ và dịch nghĩa bài thơ “Đông Hồ ấn nguyệt,” một tác phẩm xuất sắc trong chùm thơ Hà Tiên thập vịnh của Mạc Thiên Tích.
Dịp này, Ban tổ chức Cuộc thi sáng tác Thơ, Ca khúc phổ thơ nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ 20 - năm 2022 trao 8 giải Khuyến khích, 6 giải Ba, 4 giải Nhì và 1 giải Nhất cho các tác giả có các tác phẩm xuất sắc tham dự cuộc thi; tác giả Song Nguyễn vinh dự đạt giải Nhất cuộc thi với tác phẩm thơ “Chiếc tổ mùa Xuân."
[Có một Tết Nguyên tiêu sâu lắng và khác lạ ở Thủ đô trong thời đại số]
Cũng trong tối Rằm tháng Giêng, tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức chương trình Đêm thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên năm 2022 với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cùng người yêu thơ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Chương trình năm nay được tổ chức linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch COVID-19, vừa mạng lại hiệu quả, vừa tạo cảm hứng cho người tham dự.
Tại Đêm thơ, nhiều tiết mục thơ-nhạc đặc sắc mang chủ đề “Sống và hy vọng” bằng hình thức ngâm thơ, đọc thơ, trình diễn thơ, các màn hát, múa, thơ múa… đã được các nghệ sỹ, diễn viên chuyên và không chuyên của tỉnh Thái Nguyên thể hiện.
Nhiều tiết mục được dàn dựng công phu, hoành tráng, đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem như đọc thơ “Vội vàng;” hát “Sống như những đóa hoa;” thơ múa “Bài thơ không viết nháp;” hoạt cảnh “Chợ Tết.”
Năm 2021, đất nước ta đã phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách bởi đại dịch COVID-19, nhưng với ý chí sống mãnh liệt được minh chứng trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, các nhà thơ Việt Nam nói chung và ở tỉnh Thái Nguyên nói riêng đã cho ra đời nhiều tác phẩm ý nghĩa, thể hiện tinh thần trách nhiệm, niềm tin và hy vọng đối với quê hương đất nước, với cuộc sống hôm nay.
Tại Chương trình, Ban Tổ chức tổng kết và trao 18 giải cho các tác giả có tác phẩm hay tại cuộc thi thơ “Sống và hy vọng.”
Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của trên 500 tác giả với 1.300 bài thơ từ nhiều tỉnh, thành phố trong nước cũng như các tác giả ở nước ngoài./.