Với tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp, tỉnh Kiên Giang tập trung nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ lĩnh vực này theo hướng bền vững, an toàn và hiệu quả.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, hoạt động khoa học và công nghệ chú trọng nghiên cứu, ứng dụng vào thực tế sản xuất, nhất là phát triển nông nghiệp-nông thôn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.
Các đề tài, dự án khoa học, công nghệ đi vào cuộc sống, gắn liền với thực tiễn xã hội và sản xuất của địa phương.
Điển hình như đề tài “Nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng nước mắm mang chỉ dẫn địa lý Phú Quốc." Đề tài đã đánh giá thực trạng sản xuất nước mắm hiện nay trên địa bàn Phú Quốc, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng nước mắm mang chỉ dẫn địa lý Phú Quốc, sản xuất thử nghiệm thí điểm.
Kết quả, sản phẩm đạt quy định của TCVN 5107:2018 và Codex Stand 302-2011 về nước mắm, hoàn thiện giải pháp, quy trình sản xuất nước mắm mang chỉ dẫn địa lý Phú Quốc.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang nghiên cứu, chọn tạo giống lúa mới đạt được nhiều kết quả triển vọng, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, an toàn và hiệu quả.
[Giá gạo tăng cao, doanh nghiệp vẫn lên kế hoạch lợi nhuận thận trọng]
Đơn vị chức năng thực hiện lai hàng trăm tổ hợp lúa lai để chọn tạo ra các giống lúa thuần, cao sản, thời gian sinh trưởng 85-100 ngày, năng suất cao, chất lượng gạo tốt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chống chịu phèn, mặn thích nghi sản xuất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.
Kết quả chọn tạo giống đến nay đã đưa ra khoảng 30 giống lúa có triển vọng, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, dạng hình đẹp, gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, có khả năng chống chịu mặn tốt như: GKG1, GKG5, GKG9, GKG24, GKG31, GKG35, GKG41, GKG42…
Trong số đó, 2 giống lúa GKG1 và GKG9 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận chính thức là giống cây trồng nông nghiệp mới cho phép sản xuất tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ; các giống lúa GKG5, GKG24, GKG29, GKG35 cho phép sản xuất thử và các giống GKG31, GKG41, GKG42 đang khảo nghiệm quốc gia theo quy định.
Các ngành chức năng của tỉnh thực hiện nhiều đề tài, nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất trên các lĩnh vực như nuôi tôm công nghệ cao, nuôi cá lồng bè trên biển, nuôi sò huyết ở bãi triều ven biển và dưới tán rừng ngập mặn, trồng rau màu an toàn, chăn nuôi lợn và gà an toàn sinh học, lưu giữ và bảo tồn nguồn gen cá trên suối Phú Quốc, lưu giữ và bảo tồn một số nguồn gen nấm có giá trị kinh tế như nấm linh chi đen, nấm tràm, nấm bào ngư Nhật, nấm bào ngư trắng, nấm mèo…
Tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào lĩnh vực nông nghiệp từ nay đến năm 2030.
Các đơn vị chức năng nghiên cứu chọn tạo và phát triển các giống năng suất cao, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh đối với các cây trồng chủ lực theo định hướng xuất khẩu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nghiên cứu phát triển và làm chủ công nghệ tạo giống bố mẹ và kỹ thuật nhân giống một số giống nông nghiệp chủ lực sạch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn dịch bệnh, xây dựng và hoàn thiện các quy trình thâm canh tổng hợp.
Tỉnh chú trọng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học trên nguyên tắc ứng dụng đồng bộ từ giải pháp khoa học công nghệ về giống, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, cơ giới hóa, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm.
Tỉnh đầu tư nghiên cứu chọn tạo các giống lúa mới có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chống chịu hạn mặn, thích ứng biến đổi khí hậu, phẩm chất gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu…
Tỉnh Kiên Giang tổ chức các hoạt động xúc tiến phát triển thị trường công nghệ nhằm tìm kiếm, chọn lọc các công nghệ, sản phẩm công nghệ có khả năng thương mại hóa, giới thiệu, kết nối các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, kết nối cơ sở nghiên cứu với doanh nghiệp, nhà đầu tư, kết nối thực hiện các dự án nghiên cứu chung giữa khu vực công lập và tư nhân, phát triển các cơ sở dữ liệu công nghệ, các tổ chức dịch vụ khoa học công nghệ…
Tỉnh ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện các dự án, đề tài liên quan đến nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, khoa học công nghệ vào sản xuất giống các loại thủy sản trọng tâm, chủ lực của tỉnh có giá trị kinh tế cao, sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường…/.