Kiên Giang là một trong 28 tỉnh, thành trong cả nước có biển, có vị tri địa lý, điều kiên tự nhiên đặc trưng với vùng biển lớn trong vùng vịnh Thái Lan rộng trên 63.000km2.
Kiên Giang quanh năm lộng gió nồng ấm, với hơn 143 hòn đạo lớn nhỏ. Trong số đó có 43 đảo có dân sinh sống, có đảo lớn nhất là Phú Quốc; bờ biển dài khoảng 200km, có hai huyện, thành phố đảo là Phú Ọuốc, Kiên Hải và 7 huyện, thành phố ven biển.
Với vị trí và điều kiện tự nhiên như trên đã tạo cho tỉnh Kiên Giang nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế biển.
[Kiên Giang đón hơn 1,5 triệu lượt du khách đến tham quan trong quý 1]
Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Kiên Giang xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm tới là phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng an ninh, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế biển.
Ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, cho biết trên cơ sở những kết quả đạt được, để thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển bền vững vùng kinh tế biển của tỉnh trong thời gian tới cần phải xem đây là không chỉ là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các sở ngành, các địa phương có biển mà còn phải phát huy vai trò, trách nhiệm của địa phương không có biển, phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa các địa phương có biển và không có biển.
Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo. Các cấp, ngành, địa phương thực biện rà soát, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, đảo, bảo đảm sự gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng biển và hải đảo của tỉnh và các tỉnh lân cận, bảo đảm phù hợp với quy hoạch của vùng, hoàn thành quy hoạch các khu đô thị ven biển, hệ thống cảng biển phục vụ các ngành kinh tế biển, như du lịch và dịch vụ biển, khai thác thủy sản, hàng hải.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho rằng để phát triển kinh tế biển, tỉnh cũng cần nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, lợi thế không gian biển để đẩy mạnh phát triển bền vững kinh tế biển gắn tăng trưởng xanh, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Cùng với đó, tiếp tục liên kết, cơ cấu lại các lĩnh vực, ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh, thu hút các nhà đầu tư phát triển hạ tầng vùng biển, ven biển; cần ưu tiên trong ngành, lĩnh vực phát triển thủy sản.
Tỉnh tập trung đẩy mạnh có hiệu quả đề án phát triển nuôi biển theo định hướng bền vững đến năm 2030, nâng dần tỷ trọng nuôi biển trong cơ cấu ngành thủy sản, cơ cấu lại đội tàu đánh bắt thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản gắn với thực hiện đề án điều tra các ngành nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở xác định các vùng đánh bắt, vùng bảo tồn, vùng tái sinh thủy sản...
Bên cạnh đó, Kiên Giang tập trung phát triển đô thị biển đặc trưng, như mở rộng phát triển không gian đô thị về phía biển, như thành phố Rạch Giá, Hà Tiên và một số đô thị ven biển khác, thật sự trở thành động lực phát triển kinh tế biển của từng địa phương, từng vùng của tỉnh.
Kiên Giang cũng đẩy mạnh hơn nữa phát triển du lịch, nhất là du lịch biển, đảo mang đặc sắc riêng.
Tỉnh tiếp tục phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước, khu vực và quốc tế, nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách đầu tư phát triển các cụm đảo Nam Du (Kiên Hải), Bà Lụa (Kiên Lương), Tiên Hải (Hà Tiên) để phát triển du lịch và dịch vụ có giá trị, chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, cảng biển; hạ tầng kỹ thuật các khu và cụm công nghiệp; hạ tầng viễn thông, điện và nước ngọt, nhất là ở địa phương có biển, các xã đảo tiêu biểu, có vị trí chiến lược.
Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, đặc biệt trong nuôi trồng, khai thác, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; ưu tiên các dự án đầu tư có ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong các lĩnh vực có lợi thế của tỉnh.
Tỉnh cũng xác định rõ khu vực nào cần bảo vệ, bảo tồn, khu vực hạn chế khai thác tài nguyên khoáng sản, khu vực nuôi trồng hải sản ở biển và vùng bờ, nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường, hóa chất độc trên biển; quản lý rác thải biển, rác thải nhựa; cải thiện, nâng cao môi trường vùng biển, đảo của tỉnh.
Tăng cường các biện pháp hữu hiệu trong phòng, chống xâm thực, xói lở bờ biển, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn; bảo vệ, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên cho các vùng có biển, rạn san hô và các loại thủy hải, sản quý hiếm...
Những năm qua, Kiên Giang đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực khai thác hải sản, tổ chức sắp xếp lại đội tàu khai thác hải sản theo hướng không tăng thêm số lượng tàu cá.
Tỉnh chuyển đổi sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển; vận động khuyến khích đầu tư phát triển một số nghề khai thác thủy sản mang tính chọn lọc cao nhằm tăng tỷ lệ sản phẩm khai thác có giá trị cao đi đôi với thực hiện tốt về công tác phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Đến đầu năm 2022, toàn tỉnh còn 9.879 tàu cá, sản lượng khai thác hải sản trung bình hàng năm của tỉnh đạt khoảng 585.00 tấn, chiếm khoảng 16% tổng sản lượng khai thác cả nước và trên 40% sản lượng khai thác của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉnh cũng tích cực thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số Chính sách phát triển thủy sản đầu tư, tín dụng và bảo hiểm.
Kiên Giang triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, khu neo đậu tránh trú bão, nâng cấp, mở rộng các cảng cá ở các địa phương có biển... với tổng mức đầu tư ước đạt trên 645 tỷ đồng, ưu đãi tiếp cận chính sách bảo hiểm, chính sách tín dụng đối với các cơ sở đánh bắt hải sản với tổng số tiền trên 500 tỷ đồng./.