Kiên Giang: Sâu lắng đêm thơ Tình đất, tình người phương Nam

Liên hoan thơ“Tình đất tình người phương Nam” là một trong hoạt động lễ công bố Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long.
Kiên Giang: Sâu lắng đêm thơ Tình đất, tình người phương Nam ảnh 1Biểu diễn tác phẩm thơ ca tại liên hoan. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Tối 20/2, tại thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đã diễn ra Liên hoan trình diễn thơ với chủ đề “Tình đất tình người phương Nam” do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động của lễ công bố Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long, đón nhận Bằng công nhận Khu Ramsar Vườn Quốc gia U Minh Thượng và lễ hội kỷ niệm 280 năm ngày thành lập Tao Đàn Chiêu Anh Các.

Đêm thơ với sự tham dự biểu diễn của 9 đoàn nghệ thuật quần chúng, cùng hơn 300 nghệ nhân, diễn viên đến từ các tỉnh An Giang, Bến Tre, Khánh Hoà, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, thành phố Hồ Chí Minh và đoàn chủ nhà Kiên Giang.

Với nhiều hình thức thể hiện sinh động, sâu lắng như đọc thơ, ngâm thơ, hò, vè… ca ngợi, Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, biển đảo, danh lam thắng cảnh Hà Tiên, Phú Quốc, Kiên Giang và Đồng bằng sông Cửu Long, các diễn viên gợi lên những cung bậc cảm xúc, lay động lòng người “Hà Tiên xứ thơ” và du khách thập phương.

Qua đêm thơ sẽ nhân lên tình yêu quê hương đất nước trong lòng nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo, tăng cường hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư và phát triển du lịch. Đồng thời đây còn là sân chơi cho các diễn viên, nghệ nhân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Liên hoan trình diễn thơ là hoạt động có ý nghĩa trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân Kiên Giang nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Đây còn là dịp để gợi lại việc khai mở nền văn chương Hà Tiên phát triển rực rỡ cách đây gần 3 thế kỷ với sự ra đời của thi đàn văn chương Tao đàn Chiêu An Các và ngày nay là một trong những chiếc nôi của nền văn học nghệ thuật Nam bộ nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Trên vùng đất biên cương “Hà Tiên xứ thơ” nơi cuối trời cực Nam Tổ quốc, với thắng cảnh đầm Đông Hồ thơ mộng, vào ngày Rằm tháng Giêng mùa xuân năm Bính Thìn 1736, Tổng binh Đô đốc trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích đã mở hội hoa đăng thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các vang danh trong, ngoài biên ải.

Sự xuất hiện của Tao đàn Chiêu Anh Các mà “Hà Tiên thập vịnh” đã trở thành những tinh hoa văn hóa của các bậc tiền nhân để lại cho đời sau, góp phần hình thành nên tính cách, tâm hồn người dân Hà Tiên, với lòng yêu nước nồng nàn, tình yêu quê hương sâu đậm, thân thiện và giàu lòng mến khách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục