Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Kiên Giang tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn để phòng, chống dịch nhưng để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu thụ và phân phối hàng hóa, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân, tỉnh cho phép số lượng người làm việc trực tiếp tại các đơn vị đặc thù.
Cụ thể, đối với siêu thị, cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, doanh nghiệp thu mua nông sản, thủy sản…, tối đa 70% tổng số người làm việc và được phép làm việc trong khung giờ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau với điều kiện phải đăng ký danh sách người làm việc, phương án tổ chức làm việc với huyện, thành phố để xác nhận.
Người đứng đầu doanh nghiệp chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ nhân viên đã được đăng ký làm việc, đảm bảo an toàn tuyệt đối việc phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình hoạt động.
Tiếp đến, tỉnh cho phép các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, doanh nghiệp thu mua nông sản, thủy sản… đi giao hàng, thu mua hàng hóa trên địa bàn huyện và liên huyện, thành phố, với điều kiện phải khai báo lịch trình di chuyển cụ thể và xuất trình khi có yêu cầu kiểm tra của lực lượng chức năng.
Tất cả người trên phương tiện di chuyển phải có kết quả xét nghiệm nhanh hoặc xét nghiệm RT-PCR âm tính còn thời hạn trong 72 giờ kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền và thực hiện nghiêm các quy định khác về phòng, chống dịch COVID-19.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Đức Chín nhấn mạnh Sở Giao thông Vận tải tỉnh phối hợp với Công an tỉnh, Ủy ban Nhân dân cấp huyện tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa thông suốt, tránh gây ùn ứ, đứt gãy việc cung ứng hàng hóa cục bộ tại các địa phương.
Ngoài ra, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan, huyện, thành phố và các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tốt việc kết nối tiêu thụ hàng hóa, nông sản, thủy sản cho người dân.
Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả… nhất là tại các chợ truyền thống, điểm bán hàng, siêu thị, hệ thống phân phối.
[An Giang, Kiên Giang đẩy mạnh tiêm vaccine phòng dịch COVID-19]
Đặc biệt, tỉnh yêu cầu Ủy ban Nhân dân cấp huyện không đặt ra các "thủ tục con" đối với doanh nghiệp và người dân, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân, tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng.
Theo Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, trong tháng 8/2021, sức mua, lượng khách tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, nhất là tại các chợ truyền thống giảm 70-80% so với bình thường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng Tám của tỉnh ước đạt 5.658 tỷ đồng, giảm hơn 26% so với tháng trước và giảm 38,5% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân do thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người dân hạn chế ra ngoài, các địa phương tổ chức phát phiếu đi mua hàng hóa, tiểu thương và người bán hàng trong các điểm chợ giảm.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, cho biết trong thực hiện phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh đảm bảo hàng hóa cung ứng đầy đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trên toàn địa bàn, nguồn hàng hóa được duy trì từ nguồn tại chỗ và các địa phương khác chuyển đến.
Qua kiểm tra, kiểm soát thường xuyên của các đơn vị chức năng, chưa phát hiện có dấu hiệu khan hiếm, đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý gây bất ổn thị trường. Đoàn kiểm tra nhắc nhở doanh nghiệp, ban quản lý, tổ quản lý các chợ thực hiện nghiêm việc niêm yết giá đầy đủ và bán đúng giá niêm yết; tăng cường phòng chống dịch bệnh, đảm bảo dự trữ hàng hóa, cung ứng đầy đủ phục vụ nhu cầu mua sắm tiêu dùng và sản xuất cho nhân dân./.