Thế mạnh kinh tế nổi trội này được tỉnh đầu tư phát triển khai thác hiệu quả, bền vững.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, trên cơ sở lợi thế tiềm năng kinh tế biển, tỉnh phấn đấu đến năm 2015 đạt tổng sản lượng đánh bắt thủy hải sản 615.900 tấn các loại, phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và chế biến xuất khẩu; đóng mới 180 tàu cá, công suất 300 CV/tàu, vươn ra đánh bắt xa bờ.
Trên cơ sở đánh giá những lợi thế, tỉnh đầu tư trang thiết bị hiện đại cho tàu cá, nhất là nâng cấp hầm và hệ thống bảo quản lạnh cho 30% số tàu cá trong tỉnh, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm thất thoát sau khai thác; tăng số lượng tàu dịch vụ thủy hải sản trên biển thu mua được 40-50% sản lượng thủy hải sản của ngư dân đánh bắt. Tỉnh đặt mục tiêu phát triển nghề cá ổn định, tăng trưởng cao, từng bước hiện đại hóa nghề khai thác thủy hải sản phù hợp xu thế phát triển nghề cá của cả nước, khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng khai thác đánh bắt thủy hải sản gắn với bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản, hỗ trợ các hộ ngư dân từ khai thác ven bờ chuyển sang khai thác xa bờ, nuôi trồng thủy sản ven biển hoặc làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Tỉnh tạo điều kiện về vốn vay cho ngư dân kết hợp với quản lý chặt chẽ việc đóng mới, cấp giấy phép khai thác để vừa giảm dần tàu thuyền công suất nhỏ, vừa củng cố lại đội tàu công suất lớn khai thác xa bờ. Tỉnh chủ trương phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong đánh bắt, nhất là tổ, đội và nghiệp đoàn nghề cá, đội tàu theo nghề nhằm hỗ trợ nhau đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả.
Mặt khác, tỉnh triển khai các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cụ thể hóa các chính sách bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của Chính phủ. Tỉnh chủ động kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế, liên doanh, liên kết đầu tư nguồn nhân lực, vốn, vật tư, phương tiện, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản của địa phương. Đặc biệt, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động ngư dân và cam kết không sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện, cào bờ, cào bay… để đánh bắt thủy hải sản; không khai thác, mua bán, chế biến các loại thủy hải sản trong mùa sinh sản, không vi phạm vùng ngư trường cấm đánh bắt.
Hiện, toàn tỉnh có đoàn tàu cá hơn 12.400 chiếc, trong đó trên 3.000 tàu công suất lớn đủ khả năng đánh bắt xa bờ và hơn 260 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Nhiều năm qua, tỉnh luôn dẫn đầu cả nước về sản lượng khai thác đánh bắt thủy hải sản. Năm 2012, tổng sản lượng thủy hải sản khai thác hơn 421.200 tấn các loại và những tháng đầu năm nay trên 150.000 tấn.
Khai thác đánh bắt thủy hải sản của Kiên Giang đang phát triển theo hướng vươn mạnh ra khơi xa, đặc biệt là hợp tác với các nước trong khu vực, giảm dần đánh bắt ven bờ. Hàng trăm tổ, đội được hình thành khai thác đánh bắt trên ngư trường, vừa hỗ trợ nhau trong sản xuất, cung ứng nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư, thu gom sản phẩm khai thác. Nhiều chủ tàu cá mạnh dạn đưa công nghệ phun PU, công nghệ lạnh thấm, áp dụng phương pháp làm lạnh thẩm thấu, truyền hơi lạnh qua nước đá duy trì ở nhiệt độ âm 4 độ C đến 0 độ C, luôn giữ nước đá ở trạng thái rắn không bị tan chảy trong suốt hành trình của chuyến biển từ 30-40 ngày, bảo quản tốt sản phẩm thủy sản khai thác, đảm bảo chất lượng.
Tỉnh hỗ trợ ngư dân khai thác ở vùng biển xa bờ qua việc trang bị máy thông tin liên lạc HF tầm xa trên biển có tích hợp thiết bị vệ tinh GPS. Trạm bờ và máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa trên tàu cá bước đầu đáp ứng yêu cầu liên lạc và xác định vị trí tàu cá, giúp ngư dân yên tâm khai thác đánh bắt trên ngư trường.
Vùng biển Kiên Giang rộng hơn 63.290km2, bờ biển trên 200km, có 5 quần đảo là An Thới, Thổ Chu, Nam Du, Bà Lụa và Hải Tặc, với hơn 140 hòn đảo nổi lớn nhỏ và những điều kiện thuận lợi khác cho phép tỉnh này phát triển kinh tế thủy sản biển trở thành trung tâm nghề cá lớn, hiện đại của cả nước trên vùng biển Tây Nam.
Theo điều tra của Viện nghiên cứu biển Việt Nam, trữ lượng cá, tôm trên vùng biển Kiên Giang khoảng 470.000 tấn, hàng năm có thể khai thác đánh bắt trên 210.000 tấn. Trong đó, vùng nước có độ sâu 20-50m, trữ lượng cá, tôm chiếm khoảng 56%, với nhiều loài có giá trị kinh tế cao như họ cá nục, họ cá trích, cá thu, cá ngừ, mực, bào ngư, trai ngọc, sò huyết. Đặc biệt là cá cơm, nguyên liệu chính để chế biến nước mắm Phú Quốc đặc trưng, thơm ngon nổi tiếng trong và ngoài nước.
Ngoài trữ lượng tôm, cá, mực… dồi dào, đa dạng và phong phú, biển Kiên Giang còn là nơi cư trú, sinh sản của các loài động, thực vật biển quý hiếm như san hô, cỏ biển, rùa biển, đồi mồi, bò biển, hải sâm, dương mai.../.