Kiên Giang phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với du lịch

Dự kiến tổng kinh phí phát triển các ngành nghề truyền thống của Kiên Giang giai đoạn đến năm 2025 là 38,35 tỷ đồng; trong đó ngân sách Nhà nước 32,3 tỷ đồng, còn lại thu hút từ các nguồn xã hội hóa.
Kiên Giang phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với du lịch ảnh 1Trồng tiêu ở Phú Quốc. (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN))

Tỉnh Kiên Giang phát triển các ngành nghề truyền thống có thế mạnh gắn với du lịch giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện giai đoạn đến năm 2025 là 38,35 tỷ đồng; trong đó ngân sách Nhà nước 32,3 tỷ đồng, còn lại thu hút từ các nguồn xã hội hóa.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 8 làng nghề truyền thống được đưa vào khai thác du lịch gồm sản xuất nước mắm (Phú Quốc, Kiên Hải), nuôi cấy trai ngọc (Phú Quốc), sản xuất rượu sim (Phú Quốc), đan cỏ bàng (Giang Thành), trồng tiêu (Phú Quốc), nghề làm khô (Kiên Hải, Phú Quốc, Hà Tiên), đan lục bình (Gò Quao), nuôi cá bè và làng chài (Kiên Hải, Phú Quốc).

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết giai đoạn 2022-2025, tỉnh thích ứng với bối cảnh hậu COVID-19, lấy hai thành phố Phú Quốc và Hà Tiên làm trung tâm phát triển du lịch làng nghề, hoàn thiện các tiêu chí chọn lựa sản phẩm nghề truyền thống phục vụ du lịch.

Kiên Giang xây dựng kế hoạch mở cửa các làng nghề du lịch cho khách tham quan một cách an toàn bên cạnh việc thử nghiệm các chương trình du lịch mới, đầu tư cải tiến các sản phẩm sẵn có.

Tỉnh bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, xây dựng kế hoạch quảng bá và hỗ trợ các làng nghề có tiềm năng cao trong việc quảng bá du lịch, kiểm tra và đánh giá lại tác động môi trường của sản xuất làng nghề.

Giai đoạn 2026-2030, tỉnh Kiên Giang hình thành và ổn định hệ thống làng nghề, sản phẩm nghề truyền thống phục vụ du lịch, xây dựng bản đồ làng nghề theo mức độ tiềm năng phát triển du lịch.

Tỉnh tạo các sản phẩm nghề truyền thống có thương hiệu và đáp ứng tốt thị hiếu của các thị trường khách du lịch khác nhau, đúc kết kinh nghiệm phát triển du lịch làng nghề tại Phú Quốc và Hà Tiên trước đó, tập trung quảng bá và phát triển các chương trình du lịch làng nghề gắn với du lịch sinh thái.

[Tất cả khách du lịch ở các đảo tại Kiên Giang đã về đất liền an toàn]

Kiên Giang triển khai thực hiện các nhóm giải pháp phát triển du lịch gắn với bảo tồn làng nghề, nghề truyền thống và nghề nông thôn có tiềm năng du lịch cao, xem làng nghề, nghề truyền thống là tài nguyên du lịch để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch làng nghề.

Tỉnh tổ chức đào tạo và củng cố đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch làng nghề, nghề truyền thống, hỗ trợ các nghệ nhân gắn bó với nghề và đẩy mạnh hoạt động truyền dạy nghề.

Các ngành chức năng của tỉnh liên kết với các cơ sở đào tạo để quảng bá, chiêu sinh, mời các nghệ nhân làng nghề, nghề truyền thống giảng dạy, hướng dẫn. Mặt khác, bồi dưỡng ngoại ngữ, đào tạo nghiệp vụ du lịch, hướng dẫn người dân tại làng nghề, nghề truyền thống về tổ chức, kinh doanh du lịch, văn hóa du lịch, du lịch cộng đồng và trở thành hướng dẫn viên.

Tỉnh hoàn thiện, cải tiến chất lượng các điểm du lịch làng nghề, nghề truyền thống đã có hoạt động du lịch để quảng bá cho du lịch làng nghề; đồng thời làm cơ sở cho việc đúc kết kinh nghiệm, xây dựng các chính sách, quy định, hướng dẫn cụ thể cho du lịch làng nghề.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm du lịch tham quan làng nghề, nhằm tăng hiệu quả của sản xuất nghề truyền thống và hoạt động du lịch; xây dựng thương hiệu chung cho các sản phẩm nghề truyền thống, thiết kế thành các mặt hàng lưu niệm mang dấu ấn của địa phương nhưng thuận tiện hơn cho du khách trong quá trình vận chuyển; ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá và phát triển các sản phẩm du lịch mới từ các làng nghề, nghề truyền thống.

Tỉnh Kiên Giang tăng cường bảo vệ môi trường du lịch, hạn chế tối đa các tác động đến môi trường trong quá trình sản xuất, góp phần đưa làng nghề phát triển theo định hướng bền vững; bảo tồn văn hóa địa phương, nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế, đồng thời hạn chế tối đa tác động của hoạt động sản xuất cũng như hoạt động du lịch đến môi trường.

Tỉnh liên kết phát triển du lịch, kết nối tour, tuyến đến các làng nghề, điểm sản xuất nghề truyền thống chưa có hoặc còn ít khách du lịch đến tham quan. Kiên Giang xác định thị trường khách mục tiêu, đánh giá các xu hướng thay đổi trong nhu cầu của du khách, xác định địa bàn trọng điểm cho đầu tư phát triển du lịch làng nghề./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục