Là một trong 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh Kiên Giang, thành phố Hà Tiên xác định rõ du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo nền tảng, động lực thúc đẩy các lĩnh vực ngành nghề khác cùng phát triển.
Trong chiến lược phát triển, địa phương chú trọng phát triển du lịch cộng đồng phục vụ du khách đến tham quan, du lịch, trải nghiệm.
Bà Nguyễn Thị Minh Trang, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Hà Tiên, chia sẻ du lịch cộng đồng hiện nay đang được du khách trong nước và quốc tế ưa chuộng.
Loại hình này do cộng đồng sở hữu, quản lý, hoạt động vì cộng đồng và mang lại nhiều lợi ích thiết thực như nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo điều kiện giao lưu hiểu biết văn hóa-xã hội giữa các dân tộc, vùng, miền, bảo vệ giữ gìn môi trường, tăng giá trị hàng hóa sản xuất tại địa phương, tạo nhiều cơ hội việc làm, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
[Sản phẩm du lịch hấp dẫn: Động lực tăng trưởng cho du lịch Kiên Giang]
Năm 2014, thành phố đã xây dựng và triển khai 2 đề án phát triển du lịch cộng đồng xã đảo Tiên Hải và Đầm Đông Hồ.
Xã Tiên Hải là một quần đảo với 16 hòn đảo lớn nhỏ, cách trung tâm thành phố Hà Tiên khoảng 28 km, có tổng diện tích tự nhiên hơn 280 ha, dân số trên dưới 2.000 người. Xã đảo tọa lạc ngay khu vực vịnh Rạch Giá-Hà Tiên đến vịnh Thái Lan, có tiềm năng phát triển du lịch với nhiều bãi biển đẹp, nước trong xanh, cát trắng mịn, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, không khí mát mẻ, trong lành… tạo nên vẻ đẹp tự nhiên đặc trưng.
Người dân nơi đây sinh sống tập trung tại các đảo Hòn Tre, Hòn Giang, Hòn Đước và Hòn Ụ; chủ yếu làm nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản. Một số hộ dân mua bán nhỏ lẻ, kinh doanh dịch vụ du lịch.
Đầm Đông Hồ thuộc địa bàn phường Đông Hồ (thành phố Hà Tiên) với diện tích tự nhiên hơn 1.384ha, nằm tiếp giáp biên giới Việt Nam-Campuchia; trong số đó, diện tích mặt nước hơn 900ha trồng lá dừa nước, nuôi trồng thủy sản.
Người dân sinh sống tập trung quanh khu vực đầm Đông Hồ với những ngành nghề như khai thác và nuôi trồng thủy sản, buôn bán tạp hóa nhỏ lẻ, kinh doanh các mặt hàng thủy sản. Đầm Đông Hồ là vùng ngập nước với hàng chục loài cây rừng ngập mặn, đa dạng sinh học, giá trị sinh thái tự nhiên cao.
Nơi đây còn gắn liền với “Hà Tiên thập cảnh” của Tao đàn Chiêu Anh Các do Mạc Thiên Tích thành lập vào ngày Rằm tháng Giêng mùa Xuân năm Bính Thìn 1736.
Bà Nguyễn Thị Minh Trang cho biết thêm thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch cộng đồng xã Tiên Hải và đầm Đông Hồ bằng nhiều hình thức để thu hút du khách.
Hiện có 47 hộ dân đủ điều kiện về cơ sở vật chất tham gia 2 đề án phát triển du lịch cộng đồng. Trong số đó, Đề án du lịch cộng đồng Tiên Hải có 17 hộ đăng ký phục vụ ẩm thực và lưu trú, hướng dẫn du khách trải nghiệm, tham quan các hòn đảo, câu cá giải trí, tìm hiểu mô hình nuôi cá lồng bè trên biển…
Đề án du lịch sinh thái cộng đồng đầm Đông Hồ có 30 hộ dân tham gia với các mô hình nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn khách du lịch trải nghiệm, tham quan đầm, phục vụ đờn ca tài tử Nam Bộ, ẩm thực cho du khách.
Địa phương đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ tham gia đề án vay vốn đầu tư, nâng cấp cơ sở lưu trú, nghỉ ngơi, ăn uống, tàu thuyền đưa, đón du khách tham quan… Tại đầm Đông Hồ, các hộ dân đã đầu tư vỏ composite đưa du khách tham quan cảnh quan thiên nhiên đầm, khám phá vườn cò, thưởng ngoạn sông nước, rừng dừa nước.
Ở xã Tiên Hải, các gia đình đã đầu tư tàu, thuyền đưa khách du lịch tham quan, trải nghiệm các đảo, mô hình nuôi cá lồng bè trên biển, câu cá giải trí. Ngoài ra, tại điểm du lịch cộng đồng còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian trên bãi biển như bóng chuyền, lặn biển, kéo co, văn hóa văn nghệ… tạo không khí vui tươi, thư giãn cho du khách.
Du khách Nguyễn Hồng Thắng (đến từ thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Rất tuyệt vời khi đi du lịch ra xã đảo Tiên Hải-Hà Tiên. Người thân, bạn bè và gia đình tôi rất thích vì thiên nhiên ở đây gần như còn hoang sơ, bãi tắm sạch sẽ, cát trắng mịn màng, nước trong xanh, môi trường trong lành và giá cả dịch vụ, sinh hoạt khá rẻ so với nhiều nơi khác mà tôi đã đến tham quan, du lịch.
Hơn nữa, tới Tiên Hải, mọi người có dịp trải nghiệm, tìm hiểu thêm về tên gọi khác ấn tượng là “Đảo Hải Tặc” và rất thích hợp để nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, lấy lại năng lượng, tinh thần thoái mái… sau một tuần làm việc.”
Trong quá trình thực hiện Đề án du lịch cộng đồng, thành phố Hà Tiên đã tập trung nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đưa điện lưới Quốc gia ra xã đảo Tiên Hải; xây dựng đường bêtông quanh đảo với tổng chiều dài hơn 23km và 2 cầu cảng; mở rộng và nâng cấp hồ nước sinh hoạt dung tích hơn 50.000m3; cải tạo bãi cát trắng tại bãi biển Dinh Bà; đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng xây dựng bến tàu du lịch đầm Đông Hồ.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý du lịch cộng đồng đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho hộ dân, cán bộ tại địa phương về kỹ năng phục vụ du lịch cộng đồng có trách nhiệm, kỹ năng tiếp tân, buồng, bàn ăn uống, tiếng Anh giao tiếp, đào tạo lái tàu, thuyền nội địa…, góp phần phát triển du lịch của địa phương và thành phố Hà Tiên.
Theo Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Hà Tiên, 2 điểm du lịch cộng đồng xã đảo Tiên Hải và đầm Đông Hồ, mỗi năm đón hàng trăm ngàn lượt du khách đến tham quan, du lịch, trải nghiệm và lượng khách năm sau cao hơn năm trước.
Cùng đó, cơ sở hạ tầng 2 điểm du lịch cộng đồng xã đảo Tiên Hải, đầm Đông Hồ đã được đầu tư, nâng cấp. Nhờ đó, người dân tại các địa phương này có thêm thu nhập, đời sống được cải thiện so với trước khi thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng.
Cụ thể, trước khi thực hiện Đề án đầm Đông Hồ, khu vực này có hơn 240 hộ nghèo, chiếm 10% và hiện đã giảm xuống còn 1,5%. Tương tự, trước khi thực hiện đề án, Tiên Hải có 24 hộ nghèo, chiếm 4,8% và hiện giảm còn 1,1%.
Tại 2 địa phương triển khai đề án, loại hình du lịch cộng đồng đã thu hút được nhiều khách du lịch, góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch của Hà Tiên. Đây cũng là nền tảng, tiền đề cho thành phố vùng biên tiếp tục phát triển du lịch trong thời gian tới./.