Theo Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, 10 tháng năm 2015, thanh tra các cấp của tỉnh triển khai thực hiện 239 cuộc thanh tra, kết thúc 208 cuộc, phát hiện sai phạm 15,45 tỷ đồng trong việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản, tài chính sai quy định.
Ngành Thanh tra tỉnh kiến nghị thu nộp ngân sách Nhà nước 9 tỷ đồng, rút kinh nghiệm 78 tập thể, 116 cá nhân và kiểm điểm có hình thức kỷ luật 39 cá nhân.
Qua công tác thanh tra của ngành chức năng cho thấy tình hình tham nhũng ở tỉnh Kiên Giang còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp cần tập trung đấu tranh phòng chống quyết liệt, đẩy lùi vấn nạn này.
Tội phạm tham nhũng với các hành vi sai phạm ngày càng tinh vi khó phát hiện, thường xảy ra trên một số lĩnh vực nhạy cảm như: đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính ngân sách, đầu tư mua sắm công, quản lý sản xuất kinh doanh và sử dụng vốn, tài sản trong các doanh nghiệp có vốn Nhà nước.
Tỉnh Kiên Giang chỉ đạo ngành Thanh tra, các cấp, ngành và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh.”
Các cấp, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập ban hành quy chế thực hiện chi tiêu nội bộ theo hướng tiết kiệm, giảm chi tiêu ngân sách trong hoạt động hành chính công. Công khai, minh bạch, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của các cơ quan hành chính. Xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong quản lý tài chính ngân sách, mua sắm tài sản công để nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí.
Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện chuyển đổi vị trí công tác công chức, viên chức theo quy định; thực hiện nghiêm túc những quy định về minh bạch tài sản, thu nhập theo quy định của Chính phủ và Thanh tra Chính phủ; xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng, lãng phí gắn với đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng ngừa tham nhũng.
Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả trong nắm bắt tình hình, phát hiện tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như: đầu tư xây dựng, đất đai, tín dụng, ngân hàng, thu chi ngân sách, mua sắm công, công tác cán bộ… để tiến hành thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử và xử lý nghiêm hành vi tham nhũng.
Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường giám sát công tác phòng chống tham nhũng; nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận chuyên trách; phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền quy định của pháp luật về kết quả phòng chống tham nhũng đảm bảo thông tin chính xác, khách quan, góp phần thực hiện hiệu quả công tác này./.