Kiên Giang: Nhiều giải pháp thu hút đầu tư, giải ngân vốn dự án ngoài ngân sách

Lũy kế đến nay, tỉnh Kiên Giang đã cấp 745 dự án đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt hơn 629.000 tỷ đồng; trong đó, có 361 dự án đã đưa vào hoạt động.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Gò Đàng, Kiên Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Gò Đàng, Kiên Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư dự án ngoài ngân sách Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những tháng cuối năm 2024 và năm 2025.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành yêu cầu các sở, ngành chức năng, đơn vị liên quan, huyện và thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, đề ra lộ trình xử lý các dự án chậm triển khai thực hiện trên địa bàn. Đồng thời, Tổ công tác đặc biệt của tỉnh tăng cường thực hiện nhiệm vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn; hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thông tin và thúc đẩy thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thời gian thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án, nhất là các dự án có sử dụng đất đáp ứng đủ điều kiện.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh toàn diện trên các lĩnh vực, cắt giảm và đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử tạo động lực nâng cao hiệu quả cải cách hành chính. Tỉnh cải thiện xếp hạng chỉ số môi trường cạnh tranh cấp tỉnh, đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời, tích cực mời gọi, thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động và quy trình sản xuất sản phẩm hiện đại vào khu, cụm công nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Huỳnh Xuân Vũ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang cho biết, tỉnh tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát các dự án đầu tư ngoài ngân sách, gắn với việc đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hồ sơ chuẩn bị đầu tư. Tiếp đến, đôn đốc nhà đầu tư khởi công mới các dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư, giao đất, cấp phép xây dựng; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đang triển khai đầu tư để sớm hoàn thành, đưa dự án vào hoạt động, sản xuất, kinh doanh.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, 9 tháng năm 2024, tỉnh cấp đăng ký đầu tư mới cho 11 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 5.750 tỷ đồng, tăng 3 dự án và tăng 5.100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023; cấp điều chỉnh đăng ký đầu tư cho 99 dự án; trong đó, có 3 dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư tăng hơn 616 tỷ đồng và chấm dứt hoạt động 9 dự án.

Lũy kế đến nay, tỉnh Kiên Giang đã cấp 745 dự án đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt hơn 629.000 tỷ đồng; trong đó, có 361 dự án đã đưa vào hoạt động.

Bà Vũ Thị Diễm Thúy, Giám đốc doanh nghiệp Resort Fly Up ở Hòn Sơn, xã Lại Sơn, huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) cho biết, trong thời gian qua, tỉnh Kiên Giang có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch biển đảo, nhất là ở Hòn Sơn, Nam Du (Kiên Hải); quần đảo Bà Lụa, Hòn Nghệ (Kiên Lương) và đảo Hải Tặc (thành phố Hà Tiên).

Những nơi này, với các hòn đảo còn giữ được nét hoang sơ tự nhiên và có nhiều dư địa để doanh nghiệp đến đầu tư phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế -xã hội địa phương, cải thiện, nâng lên đời sống người dân vùng biển đảo.

Đến nay, tỉnh có 56 dự án FDI của các nhà đầu tư đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Những dự án này đầu tư vào các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, vận chuyển dầu khí, thương mại, dịch vụ… với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,8 tỷ USD; trong đó, có 44 dự đi vào hoạt động; tổng vốn thực hiện 812,5 triệu USD.

Cũng trong 9 tháng năm 2024, tỉnh giải ngân vốn đầu tư ngoài ngân sách hơn 12.943 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Bà Phạm Thị Như Phượng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Kiên Giang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang chia sẻ Kiên Giang có đầy đủ tiềm năng và lợi thế để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Thời gian qua, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp đến đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Hiệp hội Doanh nghiệp Kiên Giang cố gắng kết nối cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, hỗ trợ tỉnh trong mời gọi, thu hút đầu tư, đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thông tin, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư, cơ hội kinh doanh tại tỉnh.

Theo lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, trong bối cảnh khó khăn kinh tế cả nước nói chung và của Kiên Giang nói riêng, tình hình thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các dự án vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn.

Nguyên nhân do diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực; cạnh tranh kinh tế giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng giảm; diễn biến phức tạp của thời tiết… dẫn đến việc các tổ chức, cá nhân chưa mạnh dạn bỏ vốn đầu tư.

Một số dự án phải chờ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 để làm cơ sở rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cho phù hợp; tình trạng lấn chiếm, bao chiếm, xây dựng trái phép, khiếu nại, khiếu kiện làm cho các dự án không thể triển khai, chậm tiến độ thực hiện dự án và ảnh hưởng đến tình hình giải ngân dự án, nhất là khu kinh tế Phú Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục