Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các ngành chức năng kết hợp với địa phương kiểm tra, rà soát, đánh giá hệ thống cầu giao thông nông thôn, nhất là cầu treo, cầu dân sinh trên toàn địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân khi tham gia giao thông.
Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố tiến hành khảo sát, đánh giá chính xác thực trạng các công trình cầu treo và cầu dân sinh hiện có trên địa bàn; dừng ngay việc khai thác đối với những chiếc cầu đã hết thời gian khai thác, xuống cấp nghiêm trọng, hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; đồng thời triển khai thực hiện ngay phương án thay thế, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn cho người và phương tiện.
Cần chủ động bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương, quỹ bảo trì đường bộ kết hợp huy động các nguồn lực khác để sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới thay thế những chiếc cầu không đảm bảo giao thông đi lại.
Rà soát cắm lại biển báo hiệu tải trọng phù hợp với thực tế đối với các cầu đang khai thác; thực hiện các biện pháp phòng hộ hoặc thay mới cáp, ắc neo tăngđơ có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp, không bảo đảm khả năng chịu lực.
Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải khảo sát, đánh giá thực trạng các công trình cầu treo thuộc ngành giao thông vận tải quản lý; tổ chức duy tu, sửa chữa theo đúng quy trình, quy định để bảo đảm khai thác an toàn và giao thông thông suốt; rà soát cắm lại biển báo hiệu tải trọng cho phù hợp với thực tế đối với các cầu tiếp tục khai thác.
Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng nghiên cứu, khẩn trương ban hành quy định quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đối với các cầu treo và cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong đầu tư, khai thác hệ thống cầu treo và cầu dân sinh để kịp thời khắc phục, sửa chữa, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân khi tham gia giao thông.
Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang hiện có nhiều cầu treo, cầu dân sinh xây dựng hàng chục năm qua đang hư hỏng, xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. Tỉnh có hơn 1.800 cầu giao thông nông thôn cần được thay thế, nâng cấp, sửa chữa, đầu tư xây dựng mới để phục vụ nhu cầu giao thông đi lại cho nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương./.