Thời gian gần đây, nhiều ngư dân ở hai huyện Hòn Đất và Phú Quốc chuyển nghề đánh bắt thủy sản truyền thống sang đầu tư ngư cụ tự phát đổ xô khai thác một loại sinh vật biển mà họ gọi tên là banh lông.
Nhiều ngư dân tại địa phương lo ngại tình trạng tự phát khai thác tràn lan vô tội vạ loài thủy sản lạ theo kiểu tận diệt này ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Bởi, để đánh bắt được con banh lông, ngư dân sử dụng lồng sắt gắn bàn cào như chiếc lược cày xới nền đáy biển, gây hậu quả khó lường về môi trường sinh thái biển, ảnh hưởng bất lợi đến nghề khai thác đánh bắt thủy sản truyền thống của địa phương
Trước thực trạng ngư dân tự phát đổ xô đánh bắt con banh lông trên biển, hiện nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với địa phương kiểm tra, kiểm soát việc khai thác, mua bán loài thủy sản này và đề xuất phương án, biện pháp xử lý.
Ngành chức năng sớm xác định rõ khái niệm con banh lông; đặc tính, giá trị kinh tế cũng như ảnh hưởng của việc tự phát khai thác banh lông đến môi trường sinh thái biển và môi trường sinh sống của các loài sinh vật biển khác.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng xem xét quy định việc khai thác đối với con banh lông. Chính quyền địa phương kiểm tra điểm thu mua con banh lông để ngăn chặn, xử lý việc đổ xô đánh bắt loài sinh vật này; đồng thời, tìm hiểu mục đích của việc thương lái thu mua.
Ông Giang Thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cho biết, sở dĩ ngư dân gọi loài thủy sản lạ này là con banh lông vì nó có hình dạng giống trái banh lông đánh tenis. Khi còn sống, nó căng tròn, da trơn và có nhớt, trọng lượng từ 120-200 gram/con.
Ngư dân khai thác banh lông bằng lồng sắt dài 3-5m có bàn cào như chiếc lược, giá đặt làm ở các cơ sở cơ khí từ 10-20 triệu đồng/lồng tùy kích cỡ lớn hay nhỏ.
Thương lái thu mua banh lông vào thời điểm ban đầu với giá khá cao 500.000-600.000 đồng/kg. Nhưng hiện nay, giá chỉ còn 250.000-270.000 đồng/kg.
Nhiều ngư dân cho biết, họ không biết thương lái mua banh lông với mục đích gì nhưng bắt được bao nhiêu cũng tiêu thụ hết./.