Kiên Giang: Khai thác thế mạnh của Phú Quốc trong phục hồi kinh tế

Năm 2022, Phú Quốc phấn đấu đạt tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ lực hơn 22.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2021; huy động vốn đầu tư toàn xã hội 24.000 tỷ đồng và đón 2 triệu lượt du khách.
Kiên Giang: Khai thác thế mạnh của Phú Quốc trong phục hồi kinh tế ảnh 1Bãi biển Dinh Cậu, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Trong điều kiện những cơ hội thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, với tác động bất lợi nhiều hơn, diễn biến dịch bệnh phức tạp, khó lường nhưng thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang nỗ lực khôi phục phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2022 toàn diện, mạnh mẽ.

Thực hiện mục tiêu kép trong tình hình mới

Thành phố biển đảo phấn đấu đạt tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ lực hơn 22.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2021. Tiếp đến, Phú Quốc tập trung huy động vốn đầu tư toàn xã hội 24.000 tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm 2021; tổng thu ngân sách 5.400 tỷ đồng, tăng 26,7%; tổng lượt khách du lịch đạt 2 triệu lượt du khách, tăng 215,4%; trong đó, khách quốc tế 500.000 lượt du khách.

Ngoài ra, Phú Quốc phấn đấu đạt tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 201.000 tấn, sản lượng hồ tiêu 252 tấn và sản xuất nước mắm 12 triệu lít…

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng nhấn mạnh, Phú Quốc tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19."

Thành phố triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 gắn với nỗ lực khôi phục phát triển kinh tế-xã hội, tạo nguồn lực để thực hiện có hiệu quả "Mục tiêu kép trong tình hình mới."

Thành phố Phú Quốc chủ động bố trí nguồn lực, thực hiện các giải pháp, chính sách miễn, giãn, giảm thuế theo quy định để góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành dịch vụ du lịch.

Phú Quốc tăng cường huy động có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, tạo sức lan tỏa, nhất là giao thông, điện, nước, xử lý chất thải, nước thải, các khu đô thị, dân cư-tái định cư, trung tâm thương mại…

Một trong những điểm nhấn năm 2022 là Phú Quốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công, chấn chỉnh những yếu kém trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Thành phố thực hiện nhanh các dự án như nâng cấp hồ nước Dương Đông; triển khai dự án hồ nước Cửa Cạn, kêu gọi đầu tư hồ nước Suối Lớn; đầu tư mạng lưới phân phối nước sạch tại khu vực Bãi Trường, mở rộng mạng lưới phường Dương Đông và An Thới. Đồng thời, hoàn thành đưa vào khai thác có hiệu quả Cảng hành khách quốc tế Dương Đông, Cảng quốc tế An Thới, Cảng Vịnh Đầm; đường dây 220 KV Kiên Bình-Phú Quốc gắn với nâng cấp mạng lưới truyền tải điện trên đảo; đầu tư mở rộng Cảng Bãi Vòng, kêu gọi đầu tư Cảng tổng hợp mũi Đất Đỏ; nhà máy xử lý rác thải tại Hàm Ninh; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu tái định cư Bãi Thơm, Hàm Ninh, Đồng Cây Sao…

Tiếp đến, trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Phú Quốc phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp sinh thái, xanh, sạch, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển du lịch.

Trưởng Phòng kinh tế thành phố Phú Quốc Huỳnh Thanh Minh cho hay, Phú Quốc quy hoạch ổn định diện tích cây hồ tiêu, xây dựng thương hiệu và đa dạng hóa sản phẩm; phát triển các loại cây ăn trái có tiềm năng lợi thế sẵn có như sầu riêng, chôm chôm, xoài… và rau màu, hoa cây kiểng.

Kiên Giang: Khai thác thế mạnh của Phú Quốc trong phục hồi kinh tế ảnh 2Dự án công trình đường dây 220kV Kiên Bình-Phú Quốc cơ bản hoàn thành các hạng mục thi công phần móng trụ và trụ điện. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Cùng đó, duy trì và phát triển nghề truyền thống chế biến nước mắm phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo môi trường sinh thái.

Ngoài ra, hỗ trợ, tạo điều kiện thu các nhà đầu tư để phát triển nông nghiệp trên địa bàn đảo, nhằm đa dạng hóa các loại cây trồng và vật nuôi, nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa…

Ở lĩnh vực kinh tế thủy sản, Phú Quốc đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo phương thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường biển. Cụ thể là nuôi cá lồng bè, nuôi ghẹ, ngọc trai và một số đối tượng thủy sản khác có giá trị kinh tế cao… phấn đấu năm 2022, sản lượng nuôi trồng đạt 1.000 tấn trở lên.

[Kiên Giang: Khai trương đường bay thẳng Rạch Giá-Phú Quốc]

Tiếp đến, Phú Quốc tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hướng dẫn ngư dân khai thác đánh bắt trên ngư trường hiệu quả gắn với đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền.

Ngành chức năng tập trung tuyên truyền, vận động ngư dân không đánh bắt trái phép vùng biển nước ngoài để góp phần khắc phục cảnh bảo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Đón du khách an toàn

Hai tháng đầu năm nay, du lịch Phú Quốc đã có những tín hiệu phục hồi tích cực, tạo đà cho phát triển năm 2022 trong điều kiện dịch COVID-19 tiềm ẩn nguy cơ khó lường.

Trong 9 ngày Tết Nguyên đán Nhân Dần 2022 vừa qua (29/1-6/2), Phú Quốc đón hơn 120.000 lượt du khách đến tham quan, du lịch và phần lớn khách du lịch đi theo tour, tuyến quy mô gia đình.

Để đảm bảo an toàn sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch trên đảo và du khách tuân thủ biện pháp 5K phòng, chống dịch COVID-19. Các khu, điểm du lịch đều được tập huấn, kiểm tra chặt chẽ trong công tác phòng chống dịch bệnh để đón khách an toàn, thích ứng trong tình hình mới.

Đây là điều kiện thuận lợi để Phú Quốc thực hiện mở cửa đón khách du lịch nội địa và quốc tế theo chính sách "Hộ chiếu vaccine," góp phần phục hồi kinh tế-xã hội của địa phương.

Kiên Giang: Khai thác thế mạnh của Phú Quốc trong phục hồi kinh tế ảnh 3Đoàn khách quốc tế “hộ chiếu vaccine” người Hàn Quốc tham quan du lịch tại Phú Quốc. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng chia sẻ, Phú quốc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch, mở rộng thị trường trong bối cảnh dịch COVID-19 còn đang tiếp diễn, tiềm ẩn nguy cơ khó lường, thực hiện hiệu quả chương trình kích cầu du lịch để chủ động trong kế hoạch mở cửa đón khách du lịch nội địa và quốc tế.

Thành phố tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển du lịch. Huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối các điểm, khu du lịch trọng điểm phục vụ nhu cầu của du khách và thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Thành phố cũng sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án du lịch đã được cấp phép trên đảo, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình du lịch đang xây dựng sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, khai thác hiệu quả phục vụ du khách.

Lãnh đạo thành phố Phú Quốc nhấn mạnh, thành phố tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nỗ lực hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2022. Phú Quốc huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng thế mạnh của đảo ngọc Phú Quốc.

Thành phố tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển, tiếp tục phòng chống, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh, tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội Phú Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục