Kiên Giang: Khai hội kỷ niệm 287 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các

Tao đàn Chiêu Anh Các thành lập năm 1736, là nơi khai mở nền văn học Hà Tiên rực rỡ với những áng văn chương lừng danh một thuở, được xem như một trong những chiếc nôi của nền văn học miền Nam.
Hoạt cảnh tài tử ca múa Đêm Chiêu Anh. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Tối 5/2 (nhằm ngày Rằm tháng Giêng năm Quý Mão 2023), tại vùng biên giới Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Tiên khai hội kỷ niệm 287 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các (1736-2023).

Sử sách còn lưu lại, cách đây 287 năm, vào ngày Rằm tháng Giêng mùa xuân năm Bính Thìn 1736, Tổng binh Đô Đốc trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích đã mở hội hoa đăng thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các, là nơi khai mở nền văn học Hà Tiên phát triển rực rỡ với những áng văn chương một thời lừng danh và Hà Tiên được xem như một trong những chiếc nôi của nền văn học miền Nam.

Thơ văn Chiêu Anh Các lan ra cả nước ngoài, được các danh sĩ cùng thời thi nhau xướng họa và còn truyền tụng qua hai câu thơ: “Từ phú tăng hoa văn hiến quốc-Văn chương cao ngật trúc bằng thành."

Văn thơ Chiêu Anh Các chủ yếu ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và cuộc sống lao động, sản xuất của người dân miền biên thùy Hà Tiên. Qua đó giáo dục, cổ vũ, động viên người dân nâng cao ý thức cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ quê hương trước mọi kẻ thù xâm lược.

Ông Nguyễn Đức Chín, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Tiên nhấn mạnh, trải qua 287 mùa Xuân, cùng với sự phát triển của quê hương, đất nước, lễ hội kỷ niệm ngày thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các vào dịp xuân về đã trở thành một hoạt động truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Lễ hội là dịp để tôn vinh, trân trọng những thành quả lao động sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật mà các bậc tiền nhân tạo lập trên quê hương Hà Tiên.

Lễ hội động viên nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của quê hương, của dân tộc Việt Nam.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang trao bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa Nhà lưu niệm thi nhân Đông Hồ cho thành phố Hà Tiên. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Thông qua các hoạt động của lễ hội, Hà Tiên mong muốn tiếp tục giới thiệu những hình ảnh, nét đặc trưng, truyền thống lịch sử-văn hóa của đất nước, con người Hà Tiên đến với du khách gần xa.

Lễ hội còn là dịp để các nhà đầu tư gặp gỡ, giao lưu và tìm kiếm cơ hội cho mình và cùng với địa phương khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất biên thùy này.

[Tưng bừng Đêm hội Nguyên tiêu Xuân Quý Mão tại Thành phố Hồ Chí Minh]

Tại lễ khai hội kỷ niệm 287 năm Tao đàn Chiêu Anh Các (1736-2023), Hà Tiên đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh Nhà lưu niệm thi nhân Đông Hồ tọa lạc tại phường Đông Hồ, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Nhà lưu niệm có giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt của vùng đất Hà Tiên, địa chỉ đầy tự hào của người Hà Tiên, là nơi lưu giữ những hình ảnh, di bút, sách báo về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của nhà thơ Đông Hồ-Mộng Tuyết.

Nhà lưu niệm thi nhân Đông Hồ được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh, là cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho việc khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của nhà văn, nhà thơ Đông Hồ-Mộng Tuyết được mở rộng ở một tầm cao mới.

Tiến đến, lãnh đạo thành phố Hà Tiên thực hiện nghi thức khai bút đầu xuân với dòng chữ “Hà Tiên thịnh vượng," một nét đẹp văn hoá truyền thống của người Việt Nam vào đầu năm mới.

"Hà Tiên thịnh vượng" mang đến thông điệp: Với tiềm năng và tiềm lực sẵn có của địa phương, cùng với những định hướng đúng đắn và khát vọng phát triển mạnh mẽ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hà Tiên quyết tâm xây dựng thành phố ngày càng phát triển và thịnh vượng.

Cũng tại lễ khai hội này là chương trình nghệ thuật kỷ niệm 287 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các (1736-2023), với chủ đề “Hà Tiên-xứ thơ vào hội."

Nội dung hoạt cảnh tài tử ca múa Đêm Chiêu Anh; hồn thơ Hà Tiên ngợi ca đất nước hướng về Ngày thơ Việt Nam, gồm ngâm thơ-nhạc, ngâm thơ-múa, tốp ca múa những vần thơ thuở trước; ca múa nhạc Hà Tiên - biển xanh gọi mời.

Kết thúc lễ khai hội, các đại biểu và nhân dân, khách du lịch thả hoa đăng xuống sông Đông Hồ. Hoa đăng được thắp sáng trên sông tôn vinh những giá trị tinh thần và văn hóa của người Việt Nam, đặc biệt là vào những ngày đầu xuân mới, thả đèn hoa đăng cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, cầu bình an cho một năm mới với những điều tốt đẹp nhất.

Kỷ niệm 287 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các (1736-2023) Xuân Quý Mão năm 2023, thành phố Hà Tiên còn tổ chức nhiều những hoạt động như dâng hương tại Đền thờ họ Mạc, họp mặt giao lưu văn nghệ sỹ, tổ chức phố ông đồ viết thư pháp và cho chữ đầu năm, triển lãm ảnh, trưng bày hiện vật Hà Tiên xưa và nay, đường sách Hội Tao đàn Chiêu Anh Các, giới thiệu các sản phẩm thương mại và quảng bá du lịch Hà Tiên, thả cá xuống sông Đông Hồ tái tạo nguồn lợi thủy sản, diễu hành xe hoa…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục