Kiên Giang huy động gần 6.000 tỷ đồng phát triển kinh tế biển

Trong 3 năm (2016-2018), tỉnh Kiên Giang đã tập trung nguồn lực, huy động nguồn vốn gần 6.000 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế biển.
Một góc huyện đảo Phú Quốc. (Nguồn: TTXVN)

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, trong 3 năm (2016-2018), tỉnh tập trung nguồn lực, huy động nguồn vốn gần 6.000 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế biển.

Các dự án phát triển kinh tế biển như đưa điện lưới quốc gia ra huyện đảo Phú Quốc và các xã đảo Hòn Tre, Lại Sơn (Kiên Hải), Hòn Nghệ, Sơn Hải (Kiên Lương) và Hòn Thơm (Phú Quốc), đầu tư tăng giờ phát điện 24/24 giờ cho 2 xã đảo An Sơn, Nam Du (Kiên Hải); đầu tư cảng biển, sân bay, hệ thống giao thông trên huyện đảo Phú Quốc; xây dựng cầu cảng hành khách, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, đường vòng quanh các đảo tập trung đông dân cư sinh sống thuộc 2 huyện Kiên Hải, Kiên Lương và thành phố Hà Tiên; đầu tư xây dựng, nâng cấp một số cảng-bến cá, đường giao thông, hệ thống cống thủy lợi ven biển trong đất liền…

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ kinh tế biển Kiên Giang có bước phát triển khá toàn diện.

Các lĩnh vực ngành nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nghề cá, chế biến và xuất khẩu thủy sản, du lịch biển đảo phát triển mạnh, hiệu quả.

Điều này góp phần cải thiện, nâng lên đời sống của nhân dân vùng ven biển và trên các đảo. Kinh tế biển chiếm tỷ trọng 75% GRDP của tỉnh.

Theo đó, tỉnh đã hình thành một số vùng nuôi tôm công nghiệp và nuôi một số loại thủy sản có giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao.

[Ra mắt tổ hợp Grand World liền kề Casino Phú Quốc]

Cụ thể là tăng diện tích nuôi tôm công nghiệp-bán công nghiệp vùng tứ giác Long Xuyên; tăng năng suất tôm-lúa vùng U Minh Thượng và chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả vùng ven biển Hòn Đất sang sản xuất lúa-tôm; nuôi cá lồng bè trên biển…; tổ chức lại khai thác hải sản theo hướng phát triển tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ.

Năm 2018, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 815.423 tấn, tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, góp phần cho kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 640 triệu USD.

Tiếp đến, nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế biển khá đồng bộ đã góp phần phát triển du lịch, nhất là du lịch biển đảo và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong 3 năm qua, du lịch Kiên Giang thu hút hơn 19 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng trưởng bình quân 15,7%/năm, trong đó khách quốc tế trên 1,2 triệu lượt khách, tăng bình quân 21,8%/năm; tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng bình quân 23,9%/năm.

Cùng với đó, xây dựng, phát triển huyện đảo Phú Quốc trở thành phát triển động lực của tỉnh.

Đặc biệt, sân bay và cảng biển quốc tế trên đảo Phú Quốc kết nối với các thành phố trong và ngoài nước như Trung Quốc, Nga, Anh, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Campuchia, Thụy Điển; các đường bay trong nước đi Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng và ngược lại.

Tỉnh Kiên Giang hiện đã hoàn thành, phê duyệt và triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế biển, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển trong thời gian tới.

Cụ thể là xây dựng, nâng cấp đê biển, hoàn thiện hệ thống cống trên đê, trạm bơm, lưới điện… phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản ven biển.

Đồng thời, nâng cấp cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão phục vụ phát triển khai thác đánh bắt hải sản; xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng hai huyện đảo Kiên Hải, Phú Quốc, các xã đảo và vùng ven biển trong đất liền.

Ngoài phát triển du lịch biển-đảo ở Phú Quốc, tỉnh chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch các quần đảo Bà Lụa (Kiên Lương), Hải Tặc (Hà Tiên), Nam Du (Kiên Hải) và một số đảo Hòn Tre, Hòn Sơn, Hòn Nghệ…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục