Kiên Giang: Gìn giữ và phát triển làng nghề nắn nồi ở Hòn Đất

Đến với làng nghề nắn nồi ở Hòn Đất (Kiên Giang) du khách sẽ nhận thấy rõ dù có bao sản phẩm hiện đại đi chăng nữa thì những sản phẩm truyền thống vẫn có một vị trí không dễ gì thay thế được.

Người thợ kéo đường chỉ cho nồi đất. (Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN)
Người thợ kéo đường chỉ cho nồi đất. (Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN)

Tuy không nằm trong số những địa điểm tham quan khi đến Phú Quốc (Kiên Giang) nhưng làng nghề nắn nồi ở Hòn Đất lại là điểm đến thú vị không thể bỏ qua nếu du khách đến Phú Quốc theo đường Rạch Giá.

Trước những năm 20 của thế kỷ 20, một người Khmer ở Kiên Giang đã sáng tạo nghề nắn nồi bằng đất sét làm dụng cụ nấu nướng. Về sau dân chúng trong vùng theo học và phát triển thành làng nghề như hiện nay.

Từ lâu nghề làm nồi đất đã gắn bó với cuộc sống của biết bao người dân ấp Đầu Doi, huyện Hòn Đất thuộc tỉnh Kiên Giang. Bên cạnh nắn nồi đất, làng nghề này còn làm ra nhiều dụng cụ nhà bếp khác như cà ràng (bếp lò ba chân), niêu, xoong, chảo,... phục vụ cho công việc bếp núc.

Cũng như nhiều làng nghề làm nồi đất khác, nguyên liệu dùng để nắn nồi là đất sét, với đủ các tiêu chuẩn như dễ đánh bóng, chịu nhiệt cao, tính kết dính cao… mà loại đất này có sẵn trên địa bàn huyện.

Để hoàn thành một sản phẩm bằng đất phải qua nhiều công đoạn. Công đoạn đầu tiên là nắn hay còn gọi là tạo hình vì tất cả các sản phẩm đều có khuôn bằng gỗ hoặc bằng đất nung.

Đến công đoạn vỗ, do đất ướt chứa nhiều nước nên sản phẩm mới đầu thường biến dạng, đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật vỗ bằng các thanh tre.

Sau đó là công đoạn làm bóng, tạo hoa văn để sản phẩm được nhẵn bóng hoàn chỉnh.

Nếu được chứng kiến các công đoạn làm mới thấy để có được sản phẩm như ý đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao, bàn tay phải uyển chuyển, mềm mại, sáng tạo.

Sau một tuần lễ, các sản phẩm được phơi khô và có thể đưa vào nung hay còn gọi là "đốt nồi". Công đoạn này khá đơn giản nhưng phải là người có nhiều kinh nghiệm trong nghề.

Trước khi nung, người thợ phải sắp sản phẩm vào lò nung, tùy theo độ dày mỏng của các sản phẩm khác nhau, họ sẽ xếp chúng theo trật tự dày trong mỏng ngoài; chèn rơm hoặc cỏ khô vào các sản phẩm, phía trên lớp rơm có một lớp củi tràm. Khi đốt, người thợ cần hạn chế sự chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong và bên ngoài, có như vậy những vật dụng làm ra mới đạt được độ bền cả về màu sắc lẫn chất lượng. Người ta thường tiến hành đốt vào ban đêm để dễ theo dõi lửa cháy cho đều.

ttxnv-noi-dat3-5592.jpg
Phơi các khuôn bánh khọt. (Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN)

Để tạo ra những dụng cụ nhà bếp đẹp mắt, có công dụng tốt đòi hỏi người thợ thủ công phải thật khéo léo, tỉ mỉ và dày dạn kinh nghiệm. Các sản phẩm của làng nghề được đưa đi tiêu thụ trên khắp các tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy vậy, khoảng chục năm nay, nồi đất không còn là vật dụng thiết yếu của các gia đình, bởi đa số họ sử dụng bếp gas, bếp từ để nấu thức ăn nên giá bán cũng không tăng lên so với trước. Trong khi đó, giá đất sét làm nguyên liệu nắn cà ràng cũng tăng hơn trước nên người làm có rất ít lãi, chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Để tiếp tục giữ nghề và tăng thu nhập phục vụ nhu cầu cuộc sống, một số gia đình ở làng nhận làm cà ràng, chảo theo đơn đặt hàng của thương lái phục vụ thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Chảo làm bằng đất nung khi kho cá hoặc kho thịt sẽ tạo được hương vị thơm ngon riêng mà các loại chảo, nồi kho bằng kim loại không thể có được. Vì thế, người dân kỳ vọng nghề làm nồi đất vẫn được duy trì trong nhiều thập kỷ tới và các gia đình vẫn tiếp tục gắn bó để vừa gìn giữ làng nghề truyền thống, vừa tạo nguồn thu nhập sinh sống.

ttxnv-noi-dat1-5252.jpg
Các sản phẩm của làng nghề nắn nồi đất ở thị trấn Hòn Đất (Kiên Giang) được vận chuyển đến các tỉnh trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long để tiêu thụ. (Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN)

Hiện tại, toàn thị trấn có gần 200 gia đình với khoảng 600 người làm nghề và nghề nắn nồi ở Hòn Đất được Ủy ban Nhân dân tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống.

Để làng nghề làm nồi đất ở địa phương tiếp tục được gìn giữ và phát triển trong thời gian tới, chính quyền địa phương đề xuất, thực hiện một số biện pháp bảo tồn và phát triển làng nghề, như tổ chức cho những người làm nghề đến tham quan tại một số làng nghề làm gốm nổi tiếng tại các địa phương khác để học hỏi kỹ thuật, công nghệ, làm ra những sản phẩm có mẫu mã phù hợp với nhu cầu thị trường; quy hoạch vùng nguyên liệu đất sét để đảm bảo cho việc khai thác, cung ứng cho nghề làm nồi đất.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng thực hiện các biện pháp để phát triển du lịch làng nghề. Đến với làng nghề nắn nồi ở Hòn Đất (Kiên Giang), được kết hợp trong các tour du lịch Phú Quốc hay Rạch Giá, du khách sẽ nhận thấy rõ nét dù cuộc sống hiện đại thế nào, có bao sản phẩm hiện đại đi chăng nữa thì những sản phẩm truyền thống vẫn có một vị trí không dễ gì thay thế được./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục