Kiên Giang dự kiến vốn đầu tư công hơn 11.000 tỷ đồng trong năm 2025

Trên cơ sở nhu cầu đầu tư phát triển của địa phương, khả năng huy động và cân đối nguồn vốn, tỉnh Kiên Giang dự kiến vốn đầu tư công năm 2025 nhiều hơn năm 2024 khoảng 3.100 tỷ đồng.
Một góc đô thị phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Năm 2025, tỉnh Kiên Giang dự kiến kế hoạch vốn đầu tư công hơn 11.000 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách địa phương trên 8.738 tỷ đồng và vốn Trung ương hơn 2.324 tỷ đồng.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết trên cơ sở tập trung thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết kế hoạch 5 năm (2020-2025), nhu cầu đầu tư phát triển của địa phương, khả năng huy động và cân đối nguồn vốn, tỉnh dự kiến vốn đầu tư công năm 2025 nhiều hơn năm 2024 khoảng 3.100 tỷ đồng.

Tỉnh đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, giao kế hoạch vốn chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án, tiến độ triển khai, giải ngân theo đúng quy định của pháp luật, phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2025.

Các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành, sớm đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.

Tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và chủ đầu tư nghiêm túc kiểm điểm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân không hoàn thành trong giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, chỉ rõ và đề ra giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời, rà soát các vướng mắc, tồn đọng, xử lý dứt điểm để đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và các chủ đầu tư sớm xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện đầu tư công năm 2025 cụ thể, tăng cường kỷ luật, chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, thanh quyết toán vốn đầu tư...

Đường 3/2 nối dài, đoạn qua địa bàn thành phố Rạch Giá và huyện Châu Thành, chính thức thông xe. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố chủ động phê duyệt danh mục và giao vốn từng dự án ngay khi được tỉnh giao, phân bổ vốn đúng quy định; tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án hiệu quả, nhất là chú trọng các dự án trọng điểm.

Ngoài ra, các chủ đầu tư phải có kế hoạch chi tiết cho từng dự án, phân công cụ thể lãnh đạo, cán bộ theo dõi chỉ đạo, điều hành đảm bảo phù hợp tiến độ và đúng quy định. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng trong việc lập các hồ sơ thủ tục chuẩn bị đầu tư, chấm dứt tình trạng chỉ định thầu các đơn vị tư vấn năng lực yếu kém; tăng cường nghiệm thu theo giai đoạn, không để dồn việc thanh toán khối lượng vào cuối năm; tập trung đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các công trình trọng điểm của tỉnh, nhất là các dự án chuyển tiếp của năm 2024.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, vốn đầu tư công năm 2024, sau khi điều chỉnh, tỉnh được giao thực hiện hơn 7.959 tỷ đồng, ước giải ngân đến 31/1/2025 đạt trên 95% kế hoạch.

Cùng đó, đến 31/1/2025, tỉnh giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ước đạt 96,1% kế hoạch; vốn được kéo dài thời gian thực hiện ước đến 31/12/2024 giải ngân đạt 69,33% kế hoạch và vốn thực hiện các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ ước đạt 88,79%, luỹ kế đạt 95,72% tổng kế hoạch vốn của chương trình.

Nông dân sử dụng thiết bị bay gieo sạ lúa vụ Thu Đông 2024 trên đồng đất huyện Tân Hiệp (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Tuy nhiên, thực hiện đầu tư công năm 2024, tỉnh Kiên Giang gặp nhiều khó khăn, bất cập và tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công cũng như đưa dự án vào khai thác, sử dụng.

Nhiều dự án lớn, trọng điểm (chủ yếu là các dự án giao thông) triển khai chậm do bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; quy trình, thủ tục kéo dài; còn tình trạng khiếu nại, tranh chấp... dẫn đến phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án mất nhiều thời gian và phải bố trí vốn vượt thời gian theo quy định.

Một số dự án trọng điểm khởi công mới đến nay chưa hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu xây lắp làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung. Các dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách Trung ương triển khai chậm, tỷ lệ giải ngân thấp.

Mặt khác, trong những tháng đầu năm nhiều chủ đầu tư chậm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các dự án để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo do phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn đối với Luật Đấu thầu năm 2023 mới có hiệu lực.

Cùng đó, nhiều dự án lớn, cao tốc cũng đang được triển khai trên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long dẫn đến nguồn cát khan hiếm, giá tăng cao làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công.

Ngoài ra, nguồn thu tiền sử dụng đất thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2024 được Hội đồng Nhân dân tỉnh giao tăng hơn nhiều so với dự kiến nên một số dự án mới được bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn đến nay chưa hoàn thành thủ tục đầu tư để giao vốn, chưa có khối lượng hoàn thành nghiệm thu thanh toán.

Một số đơn vị thiếu năng lực, còn thi công cầm chừng nhưng chủ đầu tư chưa chấm dứt hợp đồng.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục