Kiên Giang: Đồng bào dân tộc Khmer nỗ lực vươn lên thoát nghèo

Diện mạo ở các vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã đổi thay, nhất là sự chuyển biến trong ý thức và ý chí tự lực vươn lên, xứng đáng với niềm tin của người dân.
Kiên Giang: Đồng bào dân tộc Khmer nỗ lực vươn lên thoát nghèo ảnh 1Đường giao thông và nhà dân xây dựng khang trang ở xã nông thôn mới. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Những năm qua, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer trên địa bàn.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, nhiều hộ tự thân vượt khó vươn lên thoát nghèo, nhờ vậy cuộc sống ngày càng ổn định.

Vai trò người có uy tín

Tỉnh Kiên Giang có hơn 13% dân số là đồng bào Khmer trong tổng số hơn 1,7 triệu người, tập trung nhiều ở các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Giang Thành, thành phố Hà Tiên…

Trước đây, việc đi lại của bà con rất khó khăn, bởi hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn đều xuống cấp, hư hỏng. Vì vậy, tỉnh có chủ trương vận động người dân hiến đất làm các tuyến đường mới, bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer sẵn sàng tự nguyện hiến đất hoặc đóng góp ngày công lao động. Nhiều người tích cực tham gia làm cột cờ, trồng hàng rào cây xanh để tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. Làm được như vậy trước hết phải kể đến vai trò những người có uy tín với đồng bào dan tộc thiểu số ở địa phương.

Ông Hồ Văn Thiện, Trưởng Khối vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Định Hòa, huyện Gò Quao nhận xét: "Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer là hạt nhân của mọi phong trào." Điển hình như ông Danh Kha Miêu, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh-Chi hội trưởng Hội Nông dân ấp Hòa Út, đồng thời Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hòa, là một trong những người người dân tộc có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu trong công tác phối hợp với chính quyền địa phương hòa giải thành công nhiều vụ việc tranh chấp trong đồng bào dân tộc, giúp đỡ xã viên, hội viên và quần chúng là người dân tộc thoát nghèo.

[Kinh tế Kiên Giang đang trên đà phục hồi nhanh chóng]

100% xã viên, hội viên cựu chiến binh, nông dân tích cực tham gia làm hàng rào cây xanh, cột cờ, vệ sinh môi trường nơi ở. Ngoài ra, ông Miêu còn cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho lực lượng Công an, phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Ông Hồ Văn Thiện, Trưởng Khối vận-Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Định Hòa thông tin địa phương có 3.339 hộ, trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm 63,5%, có những ấp 100% là đồng bào dân tộc. Vì vậy, khi tuyên truyền, vận động những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đều phân công cán bộ, đảng viên người dân tộc Khmer xuống địa bàn truyền đạt bằng tiếng dân tộc Khmer để họ dễ hiểu. Trong thực hiện các phong trào gì cũng nhờ những cán bộ, đảng viên người dân tộc hay những người có uy tín trong đồng bào dân tộc tuyên truyền, vận động họ đều sẵn sàng làm theo.

Điển hình như ông Danh Nâu, ngụ ấp Hòa Út, xã Định Hòa luôn phát huy tính gương mẫu, nói đi đôi với làm. Không chỉ tiên phong thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bản thân ông Nâu và gia đình còn tiên phong trong phong trào lao động sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo… Đặc biệt, ông còn vận động đồng bào thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, vận động bà con tăng gia sản xuất để ổn định cuộc sống.

Nỗ lực vươn lên

Ông Nguyễn Quốc Đoàn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất cho biết khi địa phương mời họp dân để bàn việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để xóa đói giảm nghèo hay làm đường giao thông nông thôn, bà con Khmer rất đồng tình. Nhiều người tự nguyện chặt bỏ cây bạch đàn, dọn dẹp hành lang đường để dễ dàng thi công. Con đường hoàn thành từ trung tâm xã về địa bàn các ấp không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện, mà còn làm cho bộ mặt xóm ấp thêm khang trang, gia đình đi lại cũng thuận lợi hơn.

Giao thông nông thôn đi lại thuận lợi, nhiều hộ dân đồng bào dân tộc Khmer đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, giảm thời gian làm thuê, làm mướn, thay vào đó là mua cá, tôm, cua… mang ra các điểm chợ nông thôn ấp, xã, hoặc chợ huyện bán, góp phần cải thiện kinh tế gia đình. Ngoài ra, một số hộ dân tận dụng đất cỏ quanh vườn nhà mua bò về vỗ béo hay cho sinh sản để có được cuộc sống ấm no hơn.

Kiên Giang: Đồng bào dân tộc Khmer nỗ lực vươn lên thoát nghèo ảnh 2Một gia đình Khmer nuôi bò để tăng gia sản xuất. (Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)

Trong những ngày cận Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2022 của đồng bào dân tộc Khmer, ông Danh Hải, ngụ ấp Hòn Quéo, xã Thổ Sơn còn vui gấp bội. Ông Hải cho biết mấy ngày nay chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc, một "chú" bê con cũng vừa chào đời, nâng đàn bò hiện có của ông lên thành 5 con. Dắt đàn bò đang cho ăn ngoài cánh đồng sau nhà, ông Danh Hải bộc bạch trước đây, khi không có việc gì làm thì bạn bè rủ rê nhậu nhẹt tốn kém thêm. Nhờ có bò nên phải lo dắt đi chăn hoặc cắt cỏ, chiều dẫn về chuồng, nên không có thời gian rảnh để tụ tập nhậu nữa. Chẳng những không tốn kém tiền bạc mà sức khỏe cũng tốt để còn lo lao động, sản xuất góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Với thanh niên dân tộc Khmer Chương Ngọc Khánh, ngụ tại ấp Hòa Hiếu 2, xã Định Hòa, huyện Gò Quao có hướng đi khác. Theo anh Khánh, mình là nhà nông, nếu không ra sức lao động, sản xuất thì làm sao có của cải để chăm lo cho gia đình và cùng góp sức với xã hội. "Nói đi đôi với làm," lúc đầu gia đình chỉ có hơn 2.000m2 sản xuất lúa, sau vài năm anh Khánh tiết kiệm mua thêm và thuê đất đến nay canh tác 5ha. Ngoài thu nhập hàng năm vài trăm triệu đồng, anh Khánh còn nuôi ba ba, gà, vịt, trồng rau màu, gần đây với mô hình nuôi dế cho thu nhập khá.

Theo tính toán của anh Khánh, với 15 chuồng hiện có, mỗi đợt thu hoạch dế nuôi trong vòng 45 ngày, ngoài làm thức ăn cho ba ba thì còn thu hoạch khoảng 30kg, với giá bán hiện nay 200.000 đồng/kg, anh có 6 triệu đồng trong khi đó thức ăn cho dế chủ yếu là loại cám cho gà ăn và lá khoai mì (sắn) nên không tốn chi phí là bao.

Ông Danh Phúc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, Kiên Giang phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương, thể hiện được vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay, góp sức thay đổi bộ mặt vùng nông thôn.

Bên cạnh đó, Kiên Giang đã huy động các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào Khmer. Đặc biệt, nhiều hộ dân tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, từ đó tích cực đóng góp trở lại cho phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng có đông đồng bào Khmer.

Nhờ vậy, tính đến cuối năm 2021, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số của Kiên Giang theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm còn trên 3%, giảm 1,3% so năm 2020; hộ cận nghèo giảm còn trên 6%, giảm 0,78% so năm 2020.

Diện mạo ở các vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã đổi thay, nhất là sự chuyển biến trong ý thức và ý chí tự lực vươn lên, xứng đáng với niềm tin của người dân. Đặc biệt, những đóng góp của họ đã góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục