Kiên Giang đẩy mạnh tuyên truyền chính sách cho dân tộc thiểu số

Nội dung tuyên truyền phân tích âm mưu, thủ đoạn, ý đồ của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền... để kích động, gây rối, làm mất an ninh chính trị, an toàn xã hội.
Dạy chữ cho học sinh là con em đồng bào Khmer. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang phối hợp với các ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách trong đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo.

Nội dung tuyên truyền về kết quả phát triển kinh tế-xã hội tỉnh thời gian qua, định hướng phát triển những năm tới; kết quả triển khai một số chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc, tôn giáo có hiệu quả ở địa phương và thực hiện chiến lược công tác dân tộc, tôn giáo đến năm 2020 của tỉnh.

Ngoài ra, nội dung tuyên truyền cũng phân tích âm mưu, thủ đoạn, ý đồ của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, khiếu kiện… để kích động, gây rối, làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương và xuyên tạc về lịch sử vùng đất Nam Bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Quá trình hình thành, phát triển vùng đất Nam Bộ và những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của vùng; vấn đề biên giới, biển đảo Việt Nam và những nội dung quan trọng khác cũng được tập trung tuyên truyền.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức tuyên truyền thông qua báo cáo viên, hệ thống chính trị các cấp, tổ chức theo từng nhóm đối tượng và địa bàn cụ thể.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Công Khâm cho biết nơi tổ chức tuyên truyền là những địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống như Châu Thành, Gò Quao, Giồng Riềng và vùng biên giới Giang Thành, Hà Tiên tiếp giáp với Campuchia; địa bàn tập trung đông đồng bào người Hoa như Rạch Giá, Hà Tiên, Châu Thành, Phú Quốc, Vĩnh Thuận.

Trong những buổi tuyên truyền, Ban tổ chức dành nhiều thời gian cho bà con, người đại diện có uy tín phát biểu tâm tư tình cảm, nguyện vọng, nêu ý kiến đóng góp, đặt những vấn đề về kinh tế, văn hóa-xã hội để báo cáo viên, các ngành có liên quan giải thích, giải trình làm rõ, tạo sự đồng thuận chung.

Tỉnh cũng tổ chức tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng; gắn tuyên truyền với các hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng trong đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể là thông qua tổ chức các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động của Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang, cơ sở thờ tự sinh hoạt tôn giáo...

Đối tượng tập trung tuyên truyền là các vị sư sãi hệ phái Nam tông Khmer, À char, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, Hoa; cán bộ, công chức, đảng viên dân tộc Khmer, Hoa; các tăng sinh Phật giáo Nam tông Khmer đang học tại các chùa Khmer, sinh viên, học sinh dân tộc Khmer…

Dự kiến qua các đợt tuyên truyền bằng hình thức họp mặt tại các địa phương từ nay đến cuối năm sẽ có hơn 1.600 người tham dự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục