Năm 2025, tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu, giá trị sản xuất công nghiệp hơn 62.821 tỷ đồng, tăng 10% và kim ngạch xuất khẩu 1,07 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2024.
Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Trương Văn Minh chia sẻ, dự báo sản xuất của ngành công nghiệp tỉnh năm 2025 trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước tiềm ẩn nhiều yếu tố biến động, khó lường, khó khăn và thuận lợi đan xen...
Bên cạnh đó, chi phí nguyên - vật liệu đầu vào đang có xu hướng tăng, tình trạng thiếu hụt cục bộ nguồn nguyên liệu cho chế biến vẫn chưa khắc phục; các rào cản, chính sách phòng vệ thương mại của các thị trường nhập khẩu ngày càng khó khăn… sẽ tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng của ngành công nghiệp.
Theo đó, để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, tiếp tục rà soát các quy định chồng chéo ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương, nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất ổn định, nhất là những nhóm ngành công nghiệp chủ lực.
Đặc biệt, tỉnh tiếp tục nâng cao vai trò đầu mối và trách nhiệm của Tổ Chỉ đạo phục hồi sản xuất công nghiệp tỉnh trong việc tham mưu cho cấp có thẩm quyền tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.
Lãnh đạo Sở Công Thương Kiên Giang cho biết, tỉnh có 5 khu công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 840 ha, gồm Thạnh Lộc hơn 251 ha, Thuận Yên gần 134 ha, Tắc Cậu 68 ha, Xẻo Rô 210,5 ha và Kiên Lương II 175 ha.
Sở rà soát tiến độ đầu tư của các dự án công nghiệp trọng điểm trên địa bàn, nhất là ở các khu công nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp để sớm triển khai hoàn thành và đưa vào hoạt động các dự án đầu tư, tăng năng lực tăng thêm trong ngành công nghiệp trong năm 2025.
Mặt khác, tỉnh tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, tạo dư địa cho tăng trưởng; phấn đấu đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành 2 khu công nghiệp Thạnh Lộc (giai đoạn 2) 100 ha, Thuận Yên gần 134 ha và kêu gọi đầu tư cho Khu công nghiệp Xẻo Rô. Đông thời, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, phấn đấu lấp đầy phần diện tích còn lại của giai đoạn 1 Khu công nghiệp Thạnh Lộc gần 152 ha.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường hoạt động hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn thông qua các chính sách về khuyến công, tạo ra sản phẩm công nghiệp nông thôn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Đối với kinh tế ngoại thương, tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiên thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài trên địa bàn tỉnh; thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và các kế hoạch của tỉnh về việc thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững.
Tỉnh cùng với doanh nghiệp tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường mới, kết nối cung cầu, tham gia hội chợ triển lãm, hội nghị giao thương… trong và ngoài nước để tìm kiếm đối tác, giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá của tỉnh.
Năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 57.110 tỷ đồng, vượt 4,89% kế hoạch và tăng 13,28% so với năm 2023. Các ngành công nghiệp chủ lực tăng trưởng khá; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ đạo, là động lực dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp tỉnh, với giá trị đạt trên 54.875 tỷ đồng, tăng 13,42%.
Tiếp đến, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 ước đạt 1 tỷ USD, vượt 8,7% kế hoạch và tăng 15,57% so với năm 2023, với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, gồm gạo 300,8 triệu USD, hải sản 230,5 triệu USD, giày da 261,19 triệu USD và hàng khác hơn 205 triệu USD.
Toàn tỉnh hiện có trên 50 doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động xuất khẩu qua hơn 53 thị trường quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với thị trường trọng điểm nhiều nước ở Châu Á, Châu Phi, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc…
Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Trương Văn Minh chia sẻ, năm 2024, sản xuất công nghệp và hoạt động ngoại thương của tỉnh ổn định, phát triển, các chỉ tiêu lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu đều đạt và vượt kế hoạch, tăng trưởng khá so với năm 2023.
Tỉnh đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất giúp doanh nghiệp duy trì và ổn định sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa hiệu quả.
Các doanh nghiệp tích cực mở rộng, tìm kiếm thị trường, chủ động nắm bắt và triển khai kịp thời các hợp đồng cung ứng hàng hóa cho đối tác, lượng đơn đặt hàng duy trì và ổn định, nhất là mặt hàng giày da, may mặc… Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn hoạt động ổn định đã góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được năm 2024, ngành công nghiệp tỉnh tiếp tục chịu sự tác động chung từ bất ổn chính trị, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, lạm phát vẫn ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng tại một số thị trường chủ lực giảm; một số nguyên vật liệu phục vụ cho chế biến thủy sản khan hiếm, việc sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị gia tăng còn hạn chế; việc xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản xuất khẩu thủy sản vào thị trường Châu Âu và một số nước vẫn gặp nhiều khó khăn... khiến một số doanh nghiệp không đáp ứng được theo yêu cầu đơn hàng ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.../.
Kiên Giang đưa hơn 90% sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử
Với sự đa dạng về sản phẩm và chất lượng, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của Kiên Giang có tiềm năng lớn để thương mại hóa và tiếp cận sâu rộng các thị trường trong và ngoài nước.