Kiên Giang dành hơn 6.230 tỷ đồng cho đầu tư công năm 2023

Chỉ tính riêng trong tháng đầu năm 2023, tỉnh Kiên Giang đã giải ngân 212 tỷ đồng vốn đầu tư công, tăng 2,66% so với cùng kỳ năm 2022.
Kiên Giang dành hơn 6.230 tỷ đồng cho đầu tư công năm 2023 ảnh 1Công trình kè chống sạt lở đường ven biển Rạch Giá-Hòn Đất trên địa bàn thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) giai đoạn thi công. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Năm 2023, tổng vốn đầu tư công của tỉnh Kiên Giang là hơn 6.231 tỷ đồng, tăng trên 1.100 tỷ đồng so với năm 2022.

Trong tháng đầu năm 2023, tỉnh đã giải ngân 212 tỷ đồng, tăng 2,66% so với cùng kỳ.

Tỉnh tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia, đường cao tốc liên kết vùng, đường ven biển và một số dự án giao thông khác trên địa bàn; đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; y tế, văn hóa, an sinh xã hội…

Tỉnh xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2023 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

[Tìm điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh Bình Dương]

Tỉnh cũng đã phân bổ vốn, giao nhiệm vụ cho người đứng đầu các sở, ban, ngành, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, các huyện, thành phố và chủ đầu tư để ra giải pháp cụ thể để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong năm 2022 và thực hiện hoàn thành 100% kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng việc lập các hồ sơ thủ tục chuẩn bị đầu tư. Tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, ban quản lý dự án, các huyện, thành phố, chủ đầu tư tăng cường kỷ luật, chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, thanh toán vốn.

Cùng đó, tổ chức lập kế hoạch và phân công cụ thể lãnh đạo, cán bộ theo dõi chỉ đạo, điều hành công việc từ khâu lập, thẩm định thiết kế, kế hoạch đấu thầu và triển khai thi công, đảm bảo phù hợp tiến độ và đúng quy định. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, tiến hành nghiệm thu và lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng hoàn thành.

Tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố nơi có dự án đẩy nhanh thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, kịp thời giải quyết các phát sinh, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, xây dựng tiến độ chi tiết cho từng dự án, công trình để theo dõi, đôn đốc, quản lý tiến độ; kiên quyết xử phạt, cắt hợp đồng các nhà thầu vi phạm hợp đồng vượt thời gian thực hiện nhưng không có lý do chính đáng.

Đến tháng 1/2023, tỉnh giải ngân 5.080 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2022, đạt 88,3% kế hoạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục