Kiên Giang: Đầm ấm lễ Sene Dolta truyền thống của đồng bào Khmer

Theo ông Danh Hiệp, Trưởng Ban Quản trị chùa Tà Mum, xã Định Hòa, huyện Gò Quao, lễ Sene Dolta của đồng bào Khmer có ý nghĩa như lễ Vu Lan báo hiếu, thể hiện tấm lòng kính trọng với ông bà, tổ tiên.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình thăm, tặng quà chùa Cà Nhung, huyện Gò Quao. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Những ngày này, đồng bào Khmer trong tỉnh Kiên Giang đang tích cực chuẩn bị tổ chức lễ Sene Dolta để tưởng nhớ công ơn bậc sinh thành, tri ân tổ tiên khai phá đất đai, phù hộ cho phum, sóc được bình an, thịnh vượng.

Lễ Sene Dolta năm nay diễn ra vào các ngày 13-15/10 (nhằm ngày 29-30/8 và 1/9 âm lịch). Lễ Sene Dolta từ lâu được xem là một trong những lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của người Khmer, lưu giữ qua nhiều thế hệ.

Tại các phum, sóc ở huyện Gò Quao những ngày này, nhà nhà đều tổ chức làm bánh, không khí náo nhiệt không kém các lễ hội khác trong năm của đồng bào Khmer như Óc Om Bóc hay Chôl Chnăm Thmây.

Theo ông Danh Hiệp, Trưởng Ban Quản trị chùa Tà Mum, xã Định Hòa, huyện Gò Quao, lễ Sene Dolta của đồng bào Khmer có ý nghĩa như lễ Vu Lan báo hiếu nhằm thể hiện tấm lòng kính trọng với ông bà, tổ tiên đã khuất.

Dịp lễ này, đồng bào Khmer chuẩn bị chu đáo, mỗi gia đình cử đại diện đến hỗ trợ nhà chùa làm những công việc chuẩn bị cho ngày lễ như treo cờ, dọn cỏ, quét dọn khuôn viên chùa…

Các gia đình tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ và chuẩn bị nhiều món ăn truyền thống để dâng cúng ông bà, tổ tiên. Tùy điều kiện kinh tế từng nhà, mỗi người sẽ có cách chuẩn bị khác nhau nhưng lễ vật thường có điểm chung đều là những món ăn bình dị, gần gũi mang đặc trưng của người Khmer.

Chị Thị Tiền, ngụ ấp Hòa Út, xã Định Hòa, huyện Gò Quao cho biết vào lễ Sene Dolta, lễ phẩm gia đình chị chuẩn bị thường là món ăn người quá cố khi còn sống ưa thích, các loại bánh, trái cây, trà nước. Năm nay, gia đình chị Tiền tranh thủ cúng ông bà tại nhà xong, sau đó sang chùa Tà Mum, ngụ ấp Hòa Hớn để lễ Phật.

Mặc dù lễ Sene Dolta không tưng bừng, náo nhiệt như Tết mừng Năm mới Chôl Chnăm Thmây nhưng mang đậm những sắc thái tín ngưỡng đặc trưng văn hóa của người Khmer, thể hiện truyền thống "cây có cội, nước có nguồn" của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Trong 3 ngày lễ Sene Dolta, ngoài cúng ở nhà, mọi nghi thức quan trọng đều diễn ra tại chùa. Dưới mái chùa chung của cả phum, sóc, mọi người đều hướng lòng thành kính về đức Phật, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên và đặt hy vọng vào những điều tốt đẹp.

Đại đức Danh Minh Tuấn, trụ trì chùa Tà Mum chia sẻ theo tập tục, lễ Sene Dolta con cháu làm ăn xa đều phải về nhà, thắp nén nhang và đến chùa cúng Phật. Lễ Sene Dolta năm nay đặc biệt hơn mọi năm, xã tổ chức Giải đua ghe ngo mở rộng với các xã trong huyện cùng tham gia. Hàng trăm Phật tử ở địa phương tham gia đua ghe ngo tạo không khí vui tươi, phấn khởi.

Chị Thị Xuyến, ngụ ấp Hòa Út, xã Định Hòa phấn khởi cho biết chưa năm nào chị đón lễ Sene Dolta vui như vậy. Ngoài sum họp gia đình sau thời gian đi làm ở huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, chị còn được tham gia đua ghe ngo ngay tại quê nhà.

Ông Danh Sanh, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Hòa Hớn, xã Định Hòa, huyện Gò Quao cho biết theo đúng truyền thống xưa, ngày thứ ba cũng là ngày cuối của lễ Sene Dolta cúng tiễn đưa ông bà. Gia đình nào cũng nấu mâm cơm, thức ăn, chuẩn bị bánh, hoa quả, nhang, đèn.

Sau đó, người ta cho thức ăn vào thuyền làm bằng bẹ chuối hay mo cau đã chuẩn bị sẵn thả xuống các con sông, kênh rạch gần nhà. Tuy nhiên, do các hoạt động này gây ô nhiễm môi trường nên chính quyền địa phương đã vận động bà con đơn giản hóa các thủ tục cúng lễ. Nhờ vậy, hiện nay, việc cúng lễ đơn giản hơn trước. Bà con chủ yếu đến chùa và làm các nghi thức, gặp gỡ, thăm hỏi lẫn nhau nhằm thắt chặt thêm tình đoàn kết trong cộng đồng.

Những ngày này, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cử nhiều đoàn cán bộ đến thăm, chúc mừng các sư sãi, gia đình chính sách tiêu biểu và đồng bào Khmer còn khó khăn trong tỉnh.

[Sóc Trăng: Đồng bào Khmer đón Lễ Sene Dolta trong niềm vui trọn vẹn]

Sáng 12/10, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cùng đoàn lãnh đạo sở, ngành đến thăm, tặng quà Hòa thượng Danh Đổng, trụ trì chùa Cà Nhung, xã Định Hòa, huyện Gò Quao, đồng thời là Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh-Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang.

Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình đã gửi lời thăm hỏi sức khỏe và lời chúc mừng đón lễ Sene Dolta vui tươi, hạnh phúc, thành công đến các vị hòa thượng, thượng tọa, chức sắc và Phật tử Khmer trên địa bàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình thăm chùa Cà Nhung, huyện Gò Quao. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Thanh Bình mong muốn thời gian tới, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, các vị hòa thượng, chư tăng tiếp tục tuyên truyền, vận động phật tử Khmer chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tiếp tục đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, tích cực hơn nữa trong lao động, học tập, sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống.

Cuộc sống ngày càng hiện đại nhưng lễ Sene Dolta của đồng bào Khmer vẫn luôn được gìn giữ và phát huy để nhắc nhớ mọi người về lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tri ân những bậc tổ tiên đóng góp cho công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Hòa cùng dòng chảy của văn hóa dân tộc, lễ Sene Dolta chính là nét độc đáo của người Khmer Nam Bộ góp chung vào sự đa dạng, đặc sắc của nền văn hóa Việt.

Tại Kiên Giang, hơn 13% dân số là người Khmer (đứng thứ ba trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau Sóc Trăng và Trà Vinh) với khoảng 56.400 hộ, 238.000 nhân khẩu, tập trung đông nhất tại các huyện Gò Quao, Giồng Riềng, Hòn Đất, Giang Thành, thành phố Hà Tiên...

Bên cạnh đầu tư phát triển kinh tế, đồng bào vẫn lưu giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Khmer, lễ Sene Dolta là một trong số đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục