Kiên Giang: Công bố thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên

Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên có 7 khu chức năng: khu phi thuế quan, khu cửa khẩu quốc tế, khu du lịch, khu hành chính, khu dân cư, khu công nghiệp và các khu chức năng khác.
Một góc của thành phố Hà Tiên. (Nguồn: Tienphong)

Ngày 2/4, tại thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang tổ chức công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên.

Ngày 5/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 21/2020/QĐ-TTg thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang với diện tích 1.600 ha, gồm 5 phường Pháo Đài, Đông Hồ, Tô Châu, Bình San, Mỹ Đức.

Khu kinh tế cửa khẩu có 7 khu chức năng: khu phi thuế quan, khu cửa khẩu quốc tế, khu du lịch, khu hành chính, khu dân cư, khu công nghiệp và các khu chức năng khác.

Khu kinh tế cửa khẩu này có Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên giáp với Cửa khẩu quốc tế Prek Chach, tỉnh Kampot của Vương quốc Campuchia. Đây là khu kinh tế cửa khẩu duy nhất của tỉnh Kiên Giang.

Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Tiên Lê Quốc Anh nhấn mạnh, Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên được thành lập, đầu tư xây dựng sẽ tạo thêm lợi thế phát triển vượt bậc cho thành phố Hà Tiên trong thời gian tới, tạo ra sức thu hút đầu tư mạnh mẽ, không chỉ đối với các nhà đầu tư trong nước mà với các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng của địa phương.

Khu kinh tế này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, thị trường xuất-nhập khẩu hàng hóa được mở rộng, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ được nâng cao, việc hợp tác liên doanh, chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước dễ dàng, thuận lợi hơn.

Các doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi về cơ chế, chính sách tài chính theo quy định khi đầu tư vào khu kinh tế này.

[Kiên Giang ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào 5 lĩnh vực]

Bên cạnh đó, Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên sẽ góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch và hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu, biên giới, tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, nâng lên đời sống nhân dân.

Sự phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên còn tạo điều kiện hình thành các khu dân cư tập trung dọc biên giới, góp phần đẩy mạnh giao lưu kinh tế, văn hóa, quốc phòng - an ninh khu vực biên giới, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế-xã hội thành phố Hà Tiên phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.

Thành phố Hà Tiên kỳ vọng sẽ có bước đột phá về kinh tế để trở thành thành phố văn hóa-du lịch và sinh thái, xanh, sạch đẹp, không có tệ nạn xã hội với cửa khẩu hiện đại, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của khu vực và quốc tế.

Đây sẽ là một cực tăng trưởng phía Tây của tỉnh Kiên Giang, đô thị trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hà Tiên là vùng đất biên thùy cuối trời Tây Nam của Tổ quốc được tạo hóa ưu ái ban tặng nhiều cảnh đẹp với nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng tạo nên tiềm năng, thế mạnh cho sự phát triển mà không phải nơi nào cũng có được.

Định hướng chiến lược là xây dựng thành phố Hà Tiên và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch văn hóa-di sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gắn phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh biên giới.

Lãnh đạo thành phố Hà Tiên cho biết, các lĩnh vực khuyến khích thu hút đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, gồm khu bảo thuế, chợ, cửa hàng miễn thuế, kho ngoại quan…; các dự án sản xuất hàng xuất khẩu trong khu bảo thuế và các dự án sản xuất công nghiệp trong Khu Công nghiệp Thuận Yên; các dự án trong lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ như trung tâm thương mại, chợ, trung tâm triển lãm, khu du lịch, khu vui chơi, giải trí, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ tài chính...

Tiếp đến, các dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa thể thao như bệnh viện, trường học, khu thể thao, nhà văn hoá, rạp hát, rạp chiếu phim... các dự án hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, thu gom xử lý nước thải, chất thải; các dự án khu dân cư, khu đô thị.

Tỉnh Kiên Giang thực hiện chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên và tích cực mời gọi thu hút các nhà đầu tư. Cụ thể là, tỉnh ưu đãi về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại các nghị định của Chính phủ. Tỉnh miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại Luật Thuế.

Tỉnh thực hiện tín dụng đầu tư theo quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP, ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước. Tỉnh không áp dụng chính sách ưu đãi đối với các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản; sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ sản xuất ôtô.

Tính đến thời điểm hiện nay Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên đã thu hút 35 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký là 4.396 tỷ đồng, có trên 3.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, hơn 80 doanh nghiệp tham gia xuất-nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên.

Kim ngạch xuất-nhập khẩu tăng rất nhanh, trung bình khoảng 103,4 triệu USD/năm, giai đoạn 2015-2020 đạt trên 300 triệu USD; hàng năm có trên 500.000 lượt người xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu, thu ngân sách từ các hoạt động của khu kinh tế này đạt trên 90 tỷ đồng/năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục