Kiên Giang chú trọng nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn

Tỉnh Kiên GIang đề mục tiêu đến năm 2025, có 100% cơ sở chăn nuôi lợn trang trại quy mô lớn, 80% cơ sở chăn nuôi lợn quy mô vừa, 50% cơ sở chăn nuôi lợn quy mô nhỏ áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.
Kiên Giang chú trọng nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong bối cảnh nhiều dịch bệnh trên gia súc, gia cầm còn nhiều phức tạp, tỉnh Kiên Giang tập trung phát triển chăn nuôi lợn ổn định, an toàn, hiệu quả, bền vững, chú trọng nhân rộng các mô hình nuôi an toàn sinh học đạt hiệu quả kinh tế cao.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tỉnh đề ra kế hoạch đến năm 2025, có 100% cơ sở chăn nuôi lợn trang trại quy mô lớn, 80% cơ sở chăn nuôi lợn trang trại vừa và 50% cơ sở chăn nuôi lợn trang trại nhỏ áp dụng các biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sinh học.

Tỉnh xây dựng thành công ít nhất 2 cơ sở chăn nuôi lợn và 2 chuỗi sản xuất lợn, sản phẩm thịt lợn an toàn bệnh dịch tả lợn châu Phi, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Trong phát triển chăn nuôi lợn, ngành chức năng chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và những dịch bệnh khác, đảm bảo áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế, môi trường.

Hiện tại, tỉnh có đàn lợn hơn 186.290 con, đạt 74,5% kế hoạch năm, tăng 4,2% so với cùng kỳ và đang phát triển mạnh, hiệu quả. Đây là điều kiện thuận lợi để người chăn nuôi lợn tháo gỡ, giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19.

[Sớm duyệt kinh phí mua vaccine phòng dịch viêm da nổi cục cho gia súc]

Phát triển chăn nuôi lợn an toàn, hiệu quả, bền vững trong tình hình dịch bệnh phức tạp, ngành chăn nuôi tỉnh khuyến cáo, hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp trang trại áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt.

Cụ thể như chuồng trại có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, dụng cụ chăn nuôi, con giống, thức ăn, nước uống, chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh thú y và các biện pháp quản lý cơ sở chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Ngành chức năng định kỳ lấy mẫu môi trường chăn nuôi kiểm tra nguồn nước, chất thải, xét nghiệm virus nhằm kịp thời phát hiện dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi để phòng trừ, ngăn chặn.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp trang trại kết hợp với thú y cơ sở chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ đàn lợn nuôi, nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết không rõ nguyên nhân thì thông báo nhanh cho cơ quan thú y địa phương lấy mẫu xét nghiệm, phòng trị bệnh cho đàn lợn, áp dụng các biện pháp phòng trừ, ngăn chặn lây lan dịch bệnh. 

Đơn vị chức năng định kỳ phun xịt hóa chất tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường, chuồng trại, nhất là tại những doanh nghiệp chăn nuôi lợn trang trại quy mô lớn phòng ngừa dịch bệnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang phối hợp với các huyện, thành phố xây dựng vùng nuôi, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, hỗ trợ người chăn nuôi phát triển nuôi lợn an toàn, hiệu quả và bền vững.

Đặc biệt, hỗ trợ các doanh nghiệp trang trại chăn nuôi có tiềm năng xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi lợn đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh, nhằm đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, vực dậy ngành chăn nuôi lợn trong tỉnh phát triển mạnh.

Cùng với đó, các địa phương tăng cường tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, nguy cơ tái phát dịch bệnh, chăn nuôi lợn an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh trên diện rộng, sâu rộng trong cộng đồng.

Ngoài ra, các ngành có liên quan phối hợp tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển hàng hóa tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên khu vực biên giới, kịp thời phát hiện hoạt động, vận chuyển, nhập lậu lợn, sản phẩm từ lợn vào địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp bị bắt giữ theo quy định của pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục