Kiên Giang: Cần đầu tư nguồn lực xử lý nhiều "điểm nóng" về môi trường

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Kiên Giang kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh, các sở, ngành quan tâm hơn nữa việc đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa cho xử lý rác thải, nước thải.

Xử lý rác thải. (Ảnh: Minh Phú/TTXVN)
Xử lý rác thải. (Ảnh: Minh Phú/TTXVN)

Theo ông Phạm Văn Màu, Trưởng ban Pháp chế, Hội đồng Nhân dân tỉnh Kiên Giang, hiện nay, tại tỉnh chỉ có một nhà máy xử lý chất thải rắn tương đối lớn, công suất 500 tấn/ngày, đặt ở thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất.

Còn lại một nhà máy đang vận hành thử nghiệm tại huyện Kiên Lương, với công suất 100 tấn/ngày.

Nhà máy tại xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng có công suất 245 tấn/ngày nhưng đang trong giai đoạn thẩm định để được cấp phép.

Riêng Nhà máy xử lý rác Bãi Bổn, thành phố Phú Quốc công suất 200 tấn/ngày, do vận hành không đạt yêu cầu nên đã thu hồi chủ trương đầu tư.

Nhà máy xử lý rác tạm Đồng Cây Sao, công suất xử lý rác 250 tấn/ngày chủ yếu để xử lý lượng rác thải tồn đọng.

Trưởng Ban pháp chế, Hội đồng Nhân dân tỉnh Kiên Giang cho biết qua giám sát chuyên đề việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh mới đây, đoàn giám sát phát hiện môi trường bị ô nhiễm nặng.

Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa tại thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất, hoạt động từ tháng 9/2011 đến nay, do có thời gian dài gặp sự cố, không tổ chức phân loại và đốt tiêu hủy mà chủ yếu đổ thành đống, tồn đọng trên 200.000 tấn.

Trước tình trạng trên, công ty BCG Energy đã tiếp quản lại công ty Tâm Sinh Nghĩa này và kịp thời có những hoạt động tích cực để cải thiện các vấn đề còn tồn đọng trên.

UBND tỉnh Kiên Giang đã cho phép Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa lắp đặt tạm thêm 2 lò đốt rác có công suất 500 tấn/ngày để xử lý nhanh chóng lượng rác tồn đọng này. Đơn vị này cũng đã tích cực cải tạo, tu sửa đoạn đường vào nhà máy từ Quốc lộ 80 trước đây vốn bị hư hại, xuống cấp.

Tiếp đến là khu vực Cảng cá Tắc Cậu và lân cận thuộc xã Bình An, huyện Châu Thành. Mặc dù cảng cá và các doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải nhưng do tập trung nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhiều nhất là chế biến hải sản, bột cá... nên khu vực bị ô nhiễm không khí và nguồn nước.

Mặc dù Sở Tài nguyên và Môi trường, chính quyền huyện Châu Thành tổ chức tuyên truyền, thanh, kiểm tra, có trường hợp xử lý vi phạm hành chính nhưng chỉ mang tính chất tạm thời, chưa có giải pháp căn cơ giải quyết dứt điểm tình trạng trên.

Người dân ở khu vực Cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành, kể cả vùng lân cận thành phố Rạch Giá đang chịu đựng mùi hôi thối bốc ra từ khu vực này, nhất là các nhà máy chế biến bột cá nằm dọc tuyến sông Cái Bé.

Bãi tập kết rác thải y tế của Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang tại điểm Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cũ đang là nỗi bức xúc của người dân. Hơn một năm nay, rác thải y tế của bệnh viện không được tiêu hủy, mà chỉ chở về tập trung tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cũ.

Theo báo cáo của lãnh đạo bệnh viện, lò đốt rác cũ đã hỏng không hoạt động và do chờ nhà máy đốt rác plasma nên mỗi ngày bệnh viện đưa ra khoảng 1 tấn rác thải. Như vậy, bãi rác này hiện có trên 300 tấn.

Đến thời điểm này, ngành Y tế mới có văn bản xin chủ trương Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang cho đấu thầu để xử lý lượng rác thải nói trên.Bãi tập kết rác thải tại bãi rác Đồng Cây Sao, xã Cửa Dương, thành phố Phú Quốc cũng là nỗi ám ảnh của người dân và khách du lịch.

Do thời gian dài rác tập kết về đây không được xử lý, chất thành đống, nước thải của rác tràn ra ngoài với diện rộng, khu vực này môi trường bị ô nhiễm nặng. Hiện nay, động thái xử lý là Ủy ban Nhân dân thành phố Phú Quốc đã hợp đồng với doanh nghiệp phân loại và xử lý rác tồn đọng.

Từ những bức xúc về tình hình môi trường qua kết quả giám sát, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân tỉnh Kiên Giang Phạm Văn Màu kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh, các sở, ngành quan tâm hơn nữa việc đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước, không chỉ trông chờ vào xã hội hóa, nhất là công tác xử lý rác thải, nước thải tại đô thị lớn như, các thành phố Phú Quốc, Rạch Giá, Hà Tiên.

Các đơn vị chỉ kêu gọi đầu tư, xã hội hóa khi có nhà đầu tư chiến lược, năng lực thực sự; có giải pháp đồng bộ triển khai phân loại rác tại nguồn hiệu quả; thực hiện tốt việc xử lý rác sau khi được phân loại, tập kết; chỉ đạo rà soát các dự án đầu tư xử lý rác thải y tế./.

Tin cùng chuyên mục