Kiểm tra việc khai thác cát "nuốt" di tích quốc gia Thành Tam Vạn

Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên đã yêu cầu các sở, ngành liên quan và huyện Điện Biên kiểm tra, làm rõ vấn đề khai thác cát gây sạt lở nghiêm trọng Di tích cấp quốc gia Thành Tam Vạn.
Kiểm tra việc khai thác cát "nuốt" di tích quốc gia Thành Tam Vạn ảnh 1Điểm mỏ khai thác cát của doanh nghiệp tư nhân Nam Sơn cách di tích Thành Tam Vạn khoảng 30 mét. thuộc đội 6, xã Pom Lót (huyện Điện Biên). (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên đã có văn bản số 2929, giao Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên tiến hành kiểm tra, làm rõ vấn đề khai thác cát gây sạt lở nghiêm trọng Di tích cấp quốc gia Thành Tam Vạn như báo chí phản ánh.

Kết quả kiểm tra, xác minh báo cáo về Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên trước ngày 20/10/2018.

Trong nội dung văn bản, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên cũng chỉ đạo huyện Điện Biên và các đơn vị liên quan, trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm, các đơn vị căn cứ chức năng quản lý Nhà nước của mình để có biện pháp yêu cầu các chủ thể có liên quan dừng ngay hoạt động khai thác cát; đồng thời, xử lý nghiêm theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật đối với các hành vi sai phạm.

[Khai thác cát tràn lan, một di tích quốc gia trước nguy cơ "xóa sổ"]

Trong trường hợp các sai phạm ảnh hưởng và xâm hại đến di tích và tài sản của các tổ chức và nhân dân, phải yêu cầu các đơn vị, cá nhân có liên quan có giải pháp khắc phục đối với hậu quả đã gây ra theo đúng quy định hiện hành.

Như TTXVN và các cơ quan báo chí đã đưa tin, di tích Thành Tam Vạn (còn có tên gọi Thành Sam Mứn) nằm trên địa bàn hai xã Pom Lót và Noong Luống (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 2009. Đây là di tích có giá trị, ý nghĩa rất lớn về lịch sử, văn hóa, khảo cổ, kiến trúc và khoa học quân sự. Tuy nhiên, nhiều năm qua, do hoạt động khai thác cát bừa bãi trên khu vực sông Nậm Rốm dẫn đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng bức tường thành phía Tây, xói mòn đường hào và ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường sinh thái của di tích.

Ngoài việc làm ảnh hưởng, xâm hại đến di tích thì hoạt động khai thác cát tại còn tác động xấu đến quá trình sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương; tiếng động cơ hoạt động ngày đêm gây tiếng ồn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Điều đáng nói, trong khi Ủy ban nhân dân xã Pom Lót (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) phủ nhận thực trạng này thì đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên khẳng định, do tình trạng khai thác cát quá gần các mốc di tích đã dẫn đến cảnh quan di tích bị phá vỡ và xảy ra sạt lở một số đoạn tường thành.

Đáng chú ý, qua kiểm tra vị trí, tọa độ của các mốc, đối chiếu trên bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích được lập năm 2009, đồng thời đối chiếu với các mốc mà giấy phép hoạt động khai thác cát của doanh nghiệp khai thác cát tại điểm mỏ gần di tích Thành Tam Vạn nhất thì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên phát hiện doanh nghiệp này đã thực hiện việc khai thác không đúng với vị trí khai thác được cấp phép./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục