Kiểm tra trực tuyến: Làm sao đảm bảo trung thực, khách quan?

Trong tuần tới, hầu hết các trường học sẽ tổ chức thi giữa học kỳ một. Làm sao để đảm bảo kỳ thi trung thực, khách quan, đạt kết quả tốt là vấn đề nhà trường cùng các phụ huynh đặc biệt quan tâm.
Học sinh thi trực tuyến với hai thiết bị máy tính. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Theo kế hoạch giáo dục năm học 2021-2022, đa số các trường học trên cả nước sẽ tổ chức kiểm tra giữa học kỳ I cho học sinh vào tuần tới. Tập trung ôn tập để học sinh có kết quả thi tốt nhất cũng như đảm bảo kỳ kiểm tra nghiêm túc, công bằng trong bối cảnh phải thi trực tuyến vì dịch COVID-19 là vấn đề được nhà trường cùng các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm.

Tích cực chuẩn bị cho kỳ thi

Để chuẩn bị cho kỳ thi giữa kỳ sắp tới, Hiệu trưởng Chu Thị Xuân Hường của Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) đã yêu cầu các giáo viên phải chuẩn bị nội dung kiểm tra cũng như nội dung hướng dẫn học sinh ôn tập từ ba tuần trước.

“Các thầy cô trong tổ chuyên môn phải thống nhất nội dung theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai, đảm bảo chương trình theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mức độ đề đảm bảo yêu cầu chương trình nhưng không thể đánh đố học sinh vì các em học trực tuyến đã phải chịu nhiều thiệt thòi,” cô Hường chia sẻ.

Cũng theo cô Hường, dù đến năm học này, học sinh đã có kinh nghiệm từ đợt kiểm tra trực tuyến cuối năm học trước cũng như trong quá trình làm các bài kiểm tra thường xuyên nhưng để đảm bảo các em làm đúng, quen với các thao tác, không bị mất thời gian vì vấn đề công nghệ, trường đã yêu cầu các giáo viên phải cho học sinh làm thử bài kiểm tra trắc nghiệm. Công tác hướng dẫn được chú trọng hơn với học sinh lớp 6, là những em nhỏ nhất của trường.

Trường cũng lên lịch kiểm tra chi tiết cho từng lớp, từng môn, hướng dẫn cách thức và các yêu cầu thực hiện, thông báo rõ ràng lịch thi đến học sinh và phụ huynh. Theo đó, trường tổ chức các bài thi trắc nghiệm vào ban ngày, nhưng các bài thi tự luận môn Toán và Ngữ văn sẽ tổ chức vào buổi tối. Sau khi kết thúc giờ thi, phụ huynh có thời gian 5 phút để chụp bài làm của học sinh sao cho thật nét và gửi cho giáo viên. Thầy cô sẽ gửi link địa chỉ “phòng” thi, học sinh phải có mặt để điểm danh trước giờ thi 15 phút.

“Đây là bài kiểm tra giữa kỳ, điểm số được nhân hệ số 2 nên rất quan trọng với học sinh. Tôi tin là với những sự chuẩn bị kỹ càng đó, các em sẽ không bị bỡ ngỡ khi thi,” cô Hường nói.

Trong khi đó, tại Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội), công tác chuẩn bị cho kỳ thi cũng được ban giám hiệu và giáo viên chuẩn bị chu đáo. Theo cô giáo Phạm Thị Hệ Ngân, dù không tổ chức thi thử nhưng các giáo viên đã chuẩn bị kỹ nội dung và tổ chức cho học sinh ôn tập. Các yêu cầu về thiết bị, lịch thi, cách thức tổ chức thi cũng được trường thông báo tới phụ huynh để có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, nhằm đảm bảo học sinh có điều kiện tốt nhất cho kỳ kiểm tra.

Tại quận Ba Đình, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Lê Đức Thuận cho biết đã sớm chỉ đạo các nhà trường xây dựng phương án, kế hoạch kiểm tra giữa kỳ phù hợp với đặc điểm từng môn học, có tính đồng bộ, thống nhất trong các khối lớp, có hướng dẫn chi tiết cụ thể cho học sinh, đặc biệt là  học sinh đầu cấp.

Học sinh học trực tuyến. (Ảnh: PV)

“Riêng lớp 1, 2, vì học sinh còn nhỏ, kỹ năng về công nghệ thông tin còn hạn chế, vẫn cần sự hỗ trợ của phụ huynh khi học và làm bài nên chúng tôi chỉ đạo các trường cân nhắc phương án tổ chức kiểm tra trực tuyến hoặc hình thức khác phù hợp, báo cáo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận để xem xét, phê duyệt theo đúng quy định và phù hợp thực tiễn tại đơn vị,” ông Thuận cho hay.

Đảm bảo khách quan, công bằng

Bên cạnh công tác ôn tập, đảm bảo kỳ kiểm tra trung thực, khách quan, công bằng cũng là vấn đề được các nhà trường cũng như các phụ huynh đặc biệt quan tâm.

“Vì điểm thi giữa kỳ sẽ là một trong những căn cứ để các trường tốp đầu xét hồ sơ khi tuyển sinh nên nếu không đảm bảo kỳ thi trung thực thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, sự công bằng của học sinh không chỉ trong năm học này mà cả trong tương lai, khi các con chuyển cấp,” anh Lê Trung Kiên (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho hay ông rất hiểu những lo lắng trên của phụ huynh. Vì vậy, đảm bảo sự trung thực của kỳ thi là vấn đề các cơ quan quản lý giáo dục đặc biệt quan tâm trong chỉ đạo các nhà trường.

[Học sinh trở lại trường: Thời gian kiểm tra giữa kỳ có thể điều chỉnh]

“Kiểm soát học sinh thế nào khi các em có thể hỏi bài, nhờ người khác giúp đỡ khi làm bài thi ở nhà là băn khoăn của nhiều nhà trường và phụ huynh. Để giải giảm thiểu tiêu cực, các nhà trường cần xây dựng phương án kiểm tra trực tuyến với những kịch bản cụ thể,” ông Thuận nói.

Theo đó, với phương án học sinh kiểm tra trực tuyến tại nhà, trường sẽ bố trí các ca thi cho từng khối. Mỗi lớp sẽ được chia thành các nhóm nhỏ 20-25 học sinh, làm thành một phòng thi, bố trí hai giáo viên giám sát, ngoài ra còn có sự giám sát bên ngoài của ban giám hiệu, giám thị. Học sinh phải bật đủ camera và micro khi làm bài, nếu không sẽ phạm quy. Kiểm tra trực tuyến tại nhà luôn cần hai thiết bị có camera, trong đó một thiết bị làm bài và một thiết bị dùng để quay, giám sát. Hạn chế của phương án này là với các gia đình khó khăn hoặc gia đình có hai, ba con thi cùng lúc sẽ có thể không có đủ hai thiết bị cho mỗi học sinh.

Đây cũng là cách thức tổ chức thi trực tuyến được nhiều trường ở Hà Nội áp dụng. Theo cô Chu Thị Xuân Hường, camera giám sát phải chiếu thẳng góc học sinh ngồi để giáo viên có thể quan sát được cả quả trình làm bài của các em. Đề thi các môn trắc nghiệm sẽ được trộn câu hỏi ngẫu nhiên để đảm bảo mỗi học sinh có đề riêng, không trùng lặp hoàn toàn và khó có thể trao đổi bài.

Các giáo viên chủ nhiệm được yêu cầu phổ biến quy chế thi cho cả học sinh và phụ huynh cũng như hình thức xử phạt nếu các em có hành vi gian lận hoặc phụ huynh, người thân nhắc bài.

“Nhà trường không chỉ dạy kiến thức mà còn phải dạy cả đạo đức. Học sinh phải là những người trung thực thì sau này mới có thể trở thành các công dân tốt. Phụ huynh cũng phải làm gương trong vấn đề này, cùng giáo viên thực hiện giám sát, khích lệ, động viên học sinh. Phụ huynh càng gương mẫu bao nhiêu thì học sinh càng trưởng thành bấy nhiêu,” cô Hường nói.

Cũng chú trọng vấn đề giáo dục đạo đức, ý thức cho học sinh thông qua sự trung thực trong kỳ thi, cô Phạm Thị Hệ Ngân, giáo viên Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung cho hay khi tự học sinh ý thức được vấn đề phải là người trung thực, các con sẽ chủ động làm bài trung thực.

“Tôi rất hiểu những nỗi lo lắng của phụ huynh, nhất là với những phụ huynh có định hướng cho con vào trường điểm. Tuy nhiên, phụ huynh không nên kỳ vọng vào con quá nhiều, nên để các con học ở những ngôi trường đúng với sức của mình để các em có thể phát triển tốt nhất. Phụ huynh nên cùng con xác định mục tiêu, khích lệ con nỗ lực để đạt tới mục tiêu nhưng không nên làm hộ con,” cô Ngân nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục