Kiểm tra, kiểm soát đảm bảo cung ứng xăng dầu ra thị trường

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu tại một số địa phương treo biển nghỉ bán xảy ra chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân và có thị phần rất nhỏ.
Kiểm tra, kiểm soát đảm bảo cung ứng xăng dầu ra thị trường ảnh 1Cửa hàng kinh doanh xăng dầu Trung Thắng (huyện Thoại Sơn, An Giang) đóng cửa vì hết xăng. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Theo ghi nhận của phóng viên tại các địa phương, những ngày gần đây có hiện tượng một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu treo bảng hết hàng, đóng cửa do nguồn cung thiếu hụt. Tại một số địa phương khác nguồn cung vẫn đảm bảo. Cơ quan chức năng các địa phương đã có các giải pháp kịp thời nhằm đảm bảo nguồn cung ứng ra thị trường.

Sở Công Thương Đắk Nông cho biết, qua theo dõi, đơn vị ghi nhận một số cửa hàng trên địa bàn tỉnh thiếu hụt nguồn hàng cung ứng ra thị trường. Đây là thời điểm tại nhiều địa phương đang vào cao điểm khô hạn, nhu cầu của người dân đối với xăng dầu, đặc biệt là dầu để phục vụ vận hành máy bơm tưới tiêu cho cây trồng, tăng cao.

Sở Công Thương Đắk Nông đã đề nghị Cục Quản lý thị trường Đắk Nông tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và xử lý nghiêm.

Ghi nhận của phóng viên, một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã treo bảng hết hàng, đóng cửa. Đây đều là các cửa hàng tư nhân, nằm ngoài hệ thống phân phối của các hệ thống Petrolimex, xăng dầu quân đội. Việc nhiều cửa hàng đóng cửa, không bán hàng khiến người dân lo lắng; nhiều hộ dân phải di chuyển hàng chục km để mua dầu phục vụ cho tưới cây trồng vào mùa khô hạn.

Lãnh đạo Sở Công Thương Đắk Nông cho biết, đơn vị đã có báo cáo gửi Bộ Công Thương và một số đơn vị liên quan về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu ra thị trường tỉnh Đắk Nông.

Sở Công Thương Đắk Nông đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân phân phối xăng dầu cung ứng kịp thời, đầy đủ xăng, dầu cho các cửa hàng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, không để thiếu hụt nguồn cung nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.

Một lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Đắk Nông cho biết, hiện nay tình hình cung ứng xăng, dầu ra thị trường của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã ổn định trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Đơn vị đang đẩy mạnh nắm tình hình, kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở nào còn xăng, dầu trong kho, bồn mà cố tình "găm," trữ hàng, không cung ứng ra thị trường sẽ xử lý ngay.

Tại tỉnh Cà Mau, ngày 9/2, Sở Công Thương tỉnh cho biết, đơn vị đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị hỗ trợ trước tình hình khó khăn về cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, thực hiện công văn số 389/BCT-TTTN ngày 24/1 của Bộ Công Thương về việc đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau đã có công văn triển khai đến các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu và các đơn vị chức năng có liên quan để tổ chức thực hiện việc đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn.

[Petrolimex và PVOIL đảm bảo cung ứng xăng dầu theo đúng hợp đồng]

Tuy nhiên, tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Cà Mau hết sức khó khăn. Các thương nhân phân phối xăng dầu không mua được xăng dầu từ các thương nhân đầu mối nên không đảm bảo việc cung cấp kịp thời, đủ lượng xăng dầu cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ và thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu để phục vụ người dân trong tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh.

Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Lý Tấn Tài (Công ty Lý Tấn Tài) phản ánh, nguồn hàng xăng dầu của doanh nghiệp được mua chính từ các đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Nhưng trong thời gian gần đây, do tình hình nguồn cung hạn chế, giá dầu thô thế giới tăng liên tục và nhu cầu tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán tăng cao, các đầu mối nhập khẩu xăng dầu không đủ nguồn cung nên từ chối cung cấp hàng cho thương nhân phân phối và đại lý.

Hiện nay, nguồn hàng dự trữ của đơn vị đã gần hết. Doanh nghiệp đã cố gắng liên hệ mua của hơn 25 đầu mối nhập khẩu xăng dầu, nhưng các đầu mối nhập khẩu đều không bán hàng. Doanh nghiệp không thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong thời gian tới.

Công ty Lý Tấn Tài là đơn vị phân phối xăng dầu có hệ thống phân phối gồm 7 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc và hơn 60 đại lý bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và Cà Mau; kho trung chuyển dự trữ xăng dầu dung tích 2.600m3 tại xã Đông Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang.

Trước tình hình trên, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo kịp thời các thương nhân đầu mối, có giải pháp ổn định thị trường xăng dầu nội địa.

Tại Thừa Thiên-Huế, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Hùng Sơn cho biết, qua giám sát, các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn vẫn hoạt động bình thường; không xảy ra tình trạng đóng cửa, tạm dừng hoạt động dài ngày hay bán cầm chừng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có 134 cửa hàng xăng dầu bán lẻ. Hệ thống các cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty Xăng dầu Thừa Thiên-Huế, Chi nhánh Công ty Cổ phần Xăng dầu dầu khí PV Oil Miền Trung, Công ty Xăng dầu Quân đội khu vực 2, Công ty Cổ phần Xăng dầu Thanh Lương (thị xã Hương Trà)... vẫn hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, do mức chiết khấu thấp (mức chiếc khấu bằng 0) khiến một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc kinh doanh; trong đó, hệ thống Công ty Cổ phần Xăng dầu Ngô Đồng giảm thời gian bán hàng trong 1 ngày (bán hàng từ 7 giờ đến 16 giờ).

Bà Trần Thị Hòa, Trưởng phòng Quản lý thương mại-Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay, trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu mà chủ yếu là hệ thống bán lẻ xăng dầu.

Nguồn cung ứng xăng dầu chủ yếu thông qua các thương nhân như: Công ty Xăng dầu Thừa Thiên-Huế, Chi Nhánh Công ty Cổ phần Xăng dầu dầu khí PV Oil Miền Trung và một số thương nhân ở các tỉnh, thành phố lân cận như Đà Nẵng, Quảng Trị. Vì thế, nguồn cung xăng dầu trên địa bàn bị phụ thuộc và khó chủ động.

Trong thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ phối hợp Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nếu có trong kinh doanh xăng dầu nhằm đảm bảo nguồn cung và chất lượng xăng dầu cho người dân.

Tại Đà Nẵng, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Lê Thị Kim Phương cho biết, đến ngày 9/2, lượng xăng dầu dự trữ, cung ứng cho địa bàn thành phố Đà Nẵng diễn ra ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, khan hiếm xăng dầu.

Cụ thể trong dịp Tết nguyên Đán Nhâm Dần 2022, hệ thống dự trữ, cung ứng xăng dầu trên địa bàn thành phố gồm 8 kho với tổng sức chứa gần 1,2 triệu m3; trong đó, chủ yếu 4 đầu mối chính là Công ty Xăng dầu Quân đội khu vực 2; Công ty Xăng dầu khu vực 5; Chi nhánh Công ty CP Xăng dầu Dầu khí PV Oil Miền Trung; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh.

Các đơn vị đã cam kết đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hụt hàng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn thành phố.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, lượng tiêu thụ xăng dầu giảm hơn các năm trước, trung bình trên địa bàn Đà Nẵng gần 2.000 m3/tháng. Dịp Tết do nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa tăng cao, ước tăng 20% so với các tháng trong năm.

Theo ông Đỗ Minh Hiển, Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực 5 (Petrolimex Đà Nẵng), lượng xăng dầu công ty cung cấp cho thị trường luôn đầy đủ, các chi nhánh Petrolimex đều đảm bảo phục vụ người dân, không bị thiếu hụt xăng dầu trong dịp Tết Nhâm Dần 2022.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu tại một số địa phương treo biển nghỉ bán xảy ra chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân và có thị phần rất nhỏ, trải dài trên các tỉnh, thành phố.

Các doanh nghiệp lớn mà nhà nước chiếm thị phần chi phối đang thực hiện rất nghiêm túc, không những phục vụ cho hệ thống bán hàng của mình mà còn phục vụ các hệ thống phân phối khác.

Để ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn và triển khai biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án cũng như phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt các đơn vị kinh doanh xăng dầu nhằm phát hiện hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.

Cùng với đó, Bộ trưởng đề nghị lực lượng phải tiến hành xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục