Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, đơn vị này vừa thành lập ba đoàn kiểm tra công tác quản lý nhà nước về vận tải khách bằng đường thủy trên toàn quốc; trong đó tập trung tại các địa phương có tuyến vận tải khách từ bờ ra đảo và vùng lòng hồ có hoạt động du lịch bằng đường thủy.
Các đoàn kiểm tra do các Phó Cục trưởng trực tiếp làm trưởng đoàn, có nhiệm vụ kiểm tra toàn diện hoạt động quản lý nhà nước về cảng, bến và vận tải khách bằng đường thủy, nhằm phát hiện các tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp chấn chỉnh, khắc phục trong công tác quản lý, góp phần bảo đảm an toàn giao thông đường thủy.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo bộ phận tham mưu thực hiện rà soát toàn bộ các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, hoạt động của tàu thủy tuyến bờ ra đảo.
[Vùng hồ Hòa Bình đảm bảo an toàn đường thủy nội địa mùa lễ hội]
Nội dung rà soát tập trung vào công tác quản lý, cấp phép tàu rời cảng, bến; điều kiện hoạt động của doanh nghiệp, phương tiện thủy, thuyền viên, bao gồm cả thiết bị giám sát AIS (thiết bị nhận dạng phương tiện), áo phao, thiết bị cảnh báo và bảo đảm an toàn; các quy định về an toàn và thông tin cảnh báo điều kiện thời tiết...
Phòng Vận tải-An toàn giao thông, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, hiện các đoàn kiểm tra bắt đầu đi kiểm tra tại các địa phương; dự kiến chương trình kiểm tra và rà soát nói trên sẽ hoàn thành trong tháng 3/2022.
Được biết, sau khi xảy ra vụ tai nạn tàu cao tốc làm 17 người thiệt mạng xảy ra ngày 26/2 trên tuyến vận tải từ bờ biển Cửa Đại ra đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các Cục: Đường thủy nội địa Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đăng kiểm Việt Nam rà soát, tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, đào tạo thuyền viên, phương tiện đối với hoạt động vận tải khách bằng tàu VR-SB (sông pha biển) trên các tuyến từ bờ ra đảo./.