Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban Kiểm toán ASOSAI

Việc Kiểm toán Nhà nước lần đầu tiên được bầu làm thành viên Ủy ban Kiểm toán ASOSAI có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự nâng tầm về mặt năng lực hội nhập và cấp độ chuyên môn trong hợp tác quốc tế.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Bùi Quốc Dũng bỏ phiếu bầu chọn Ủy ban Kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 27/9, tại phiên họp toàn thể lần thứ hai trong khuôn khổ Đại hội Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán Tối cao (SAI) châu Á (ASOSAI) lần thứ 16, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã vinh dự được bầu là 1 trong 2 thành viên của Ủy ban Kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027.

Việc Kiểm toán Nhà nước Việt Nam lần đầu tiên được bầu làm thành viên Ủy ban Kiểm toán ASOSAI có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự nâng tầm về mặt năng lực hội nhập và cấp độ chuyên môn trong hợp tác quốc tế; minh chứng cho sự phát triển, trưởng thành, tiếp thu, vận dụng linh hoạt, hiệu quả các kiến thức, kinh nghiệm quốc tế tiên tiến và nguồn lực từ tổ chức ASOSAI nói chung và từ các thành viên ASOSAI nói riêng để nâng cao năng lực cho Kiểm toán Nhà nước.

Điều này cũng thể hiện sự kiên trì của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong việc theo đuổi chủ trương: là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng kiểm toán quốc tế.

Đây là bước tiếp nối của sự thành công trong vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 và thành viên Ban điều hành ASOSAI trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp, giai đoạn 2015-2024.

Để đạt được thành quả này, ngay từ năm 2022, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã khẩn trương xây dựng Đề án ứng cử thành viên Ủy ban Kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027, đề xuất rõ tiến trình và các biện pháp thực hiện việc ứng cử.

Tháng 2/2024, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã ban hành Kế hoạch vận động, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phương án nguồn lực phù hợp để quá trình vận động ứng cử được triển khai kịp thời, hiệu quả, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các SAI thành viên ASOSAI.

Đáng chú ý, qua các cuộc tiếp xúc bên lề Đại hội ASOSAI lần thứ 16, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Bùi Quốc Dũng đã cảm ơn sự ủng hộ của các SAI đối với Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trên cương vị là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 cũng như sự phối hợp, hỗ trợ của các SAI trong mối quan hệ song phương với Kiểm toán Nhà nước Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy mối quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước Việt Nam và các SAI ngày càng phát triển sâu rộng, thiết thực và hiệu quả trong thời gian tới.

Quang cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ hai, Đại hội ASOSAI lần thứ 16. (Ảnh: TTXVN phát)

Về phần mình, các SAI đánh giá cao những thành tựu Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã đạt được trong thời gian đảm đương vai trò là Chủ tịch ASOSAI giai đoạn 2018-2021 và thành viên Ban Điều hành ASOSAI từ năm 2015-2024; đồng thời thể hiện sự ủng hộ Kiểm toán Nhà nước Việt Nam qua việc bầu Kiểm toán Nhà nước Việt Nam làm thành viên Ủy ban Kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027.

Cũng tại phiên họp thứ hai này, Đại hội đã thông qua Tuyên bố New Delhi, một lộ trình củng cố cam kết của các thành viên ASOSAI về bình đẳng, minh bạch và đổi mới.

Tuyên bố tập trung vào việc tận dụng cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số để cung cấp quyền truy cập công bằng vào các dịch vụ, phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc, đặc biệt là SDG-5 (Bình đẳng giới) và SDG-10 (Giảm bất bình đẳng).

Đại hội kéo dài 4 ngày do Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu khai mạc vào ngày 24/9, quy tụ hơn 200 đại biểu đến từ 42 SAI thành viên trên khắp châu Á đã kết thúc.

Tổng Kiểm toán và Kiểm soát Ấn Độ Girish Chandra Murmu, người đảm nhận chức Chủ tịch ASOSAI giai đoạn 2024-2027, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hiệp hội hoạt động thành công xuất sắc hơn nữa về kiểm toán công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục