“Để thích ứng với sự thay đổi và yêu cầu của Cách mạng Công nghiệp 4.0, Kiểm toán Nhà nước xác định phát triển công nghệ là một trong ba trụ cột phát triển đến năm 2030.”
Nội dung trên được Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Bùi Quốc Dũng chia sẻ trong cuộc trao đổi với VietnamPlus về hoạt động Chuyển đổi Số trong công tác kiểm toán.
Cơ quan đầu tiên trao đổi dữ liệu vào trục tích hợp
- Để tăng cường tính chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả, xin ông chia sẻ quá trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của Kiểm toán Nhà nước trong thời gian qua?
Ông Bùi Quốc Dũng: Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, Chuyển đổi Số được Kiểm toán Nhà nước đặc biệt quan tâm. Do đó, đầu tư cơ sở về công nghệ thông tin luôn gắn với việc đầu tư hệ thống máy móc, hạ tầng công nghệ và các chương trình phần mềm căn bản.
Hiện nay, Kiểm toán Nhà nước đang triển khai 27 phần mềm, ứng dụng phục vụ hoạt động điều hành nội bộ và hoạt động kiểm toán (bao gồm các ứng dụng: Phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; Quản lý hoạt động chuyên ngành; Các hệ thống giao tiếp và phục vụ tích hợp…). Từ năm 2019, Kiểm toán Nhà nước là một trong những cơ quan đầu tiên thực hiện thành công việc đưa tất cả ứng dụng trao đổi dữ liệu vào trục tích hợp.
Kiểm toán Nhà nước đóng góp hiệu quả vào công tác giám sát của Quốc hội
Nhấn mạnh về yêu cầu "công khai và minh bạch," Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh yêu cầu này vì đây là "vũ khí" sắc bén nhất của Kiểm toán Nhà nước.
Hệ thống phần mềm được ưu tiên phát triển nhằm hỗ trợ công tác kiểm toán đồng thời kết nối trục liên thông văn bản quốc gia với tất cả các bộ, ngành, cơ quan trung ương, các địa phương.
Trong năm 2023, Kiểm toán Nhà nước đã khai đưa vào áp dụng bốn phần mềm mới hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ, bao gồm: Phân hệ Quản lý kế hoạch kiểm toán (nhằm giúp các đơn vị đề xuất kế hoạch kiểm toán năm 2024 và kế hoạch kiểm toán trung hạn 2024-2026 của đơn vị); Phần mềm Quản lý tài chính (tập trung hỗ trợ, nâng cao hiệu quả công tác tài chính, kế toán tại các đơn vị dự toán của Kiểm toán Nhà nước); Phần mềm Đánh giá định kỳ kiến thức chuyên môn; Cơ sở dữ liệu tài chính (cung cấp cho các đơn vị thực hiện kiểm toán, kiểm toán viên khai thác các thông tin về báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán và dự toán kinh phí của đơn vị được kiểm toán).
Trên cơ sở đó, các kiểm toán viên có thể sử dụng các phần mềm để triển khai nhiệm vụ theo từng giai đoạn, từ khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán và phát hành báo cáo kiểm toán đến theo dõi tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Việc cập nhật kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán về cơ bản được cập nhật lên hệ thống phần mềm của Kiểm toán Nhà nước đầy đủ.
Trên thực tế, việc ứng dụng công nghệ hiện đại đã giúp cho công tác phân tích thông tin, dữ liệu của kiểm toán viên được nhanh chóng và chính xác đồng thời tạo nguồn dữ liệu lớn phục vụ cho hoạt động kiểm toán. Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai Chiến lược phát triển và Kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thành và đưa vào hoạt động dự án “Xây dựng nền tảng tích hợp kết nối liên thông dữ liệu của Kiểm toán Nhà nước với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đơn vị được kiểm toán.” Dự án bước đầu triển khai kết nối trao đổi dữ liệu với hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước.
Trách nhiệm cung cấp, kết nối dữ liệu
- Để công tác Chuyển đổi Số được triển khai và vận dụng hiệu quả, ông cho biết quyết tâm và hành động cụ thể của Kiểm toán Nhà nước trong thời gian tới?
Ông Bùi Quốc Dũng: Công nghệ đóng vai trò then chốt, thiết lập, định hướng cho quá trình xây dựng, hình thành các hệ thống nền tảng quản trị thông minh. Với quyết tâm đó, Kiểm toán Nhà nước đã tham gia tích cực vào sự phát triển của nền Kinh tế Số và thích ứng linh hoạt với sự thay đổi quá trình Chuyển đổi Số trong tương lai.
Chiến lược Chuyển đổi Số của Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 xác định bốn mục tiêu chính: Công nghệ đóng vai trò then chốt, giúp Kiểm toán Nhà nước thích ứng với sự thay đổi cũng như quá trình chuyển đổi số trong tương lai; Tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán dựa trên dữ liệu số; Ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch, công khai hoạt động kiểm toán và kết quả kiểm toán; Tăng cường các cuộc kiểm toán tại trụ sở Kiểm toán Nhà nước.
Thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước sẽ rà soát các quy định, quy chế có liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, ngành sẽ tập trung điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, bổ sung các quy định liên quan đến trách nhiệm cung cấp dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và việc tích hợp, kết nối, trao đổi dữ liệu điện tử giữa Kiểm toán Nhà nước và đối tượng được kiểm toán. Đây được xem là điều kiện cần, mang yếu tố quyết định cho việc có triển khai được hạ tầng dữ liệu của Kiểm toán Nhà nước.
Cùng với đó, Kiểm toán Nhà nước sẽ nâng cao công tác quản trị dữ liệu, từ thu thập, số hóa dữ liệu đến nhân lực công nghệ thông tin đồng thời đảm bảo an toàn thông tin trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin.
Hạ tầng dữ liệu của Kiểm toán Nhà nước sẽ được xây dựng đầy đủ, phù hợp, tạo nền tảng cho việc hình thành cơ sở dữ liệu tập trung về đơn vị được kiểm toán, các phần mềm, công cụ phân tích thông tin, đánh giá và xác định mức rủi ro, trọng yếu kiểm toán. Điều này nhằm hỗ trợ công tác lập kế hoạch cũng như giúp kiểm toán viên thực hiện các kỹ thuật kiểm toán và theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán…, hướng tới kiểm toán dựa trên dữ liệu lớn.
Cụ thể, lộ trình triển khai xây dựng kiến trúc dữ liệu của Kiểm toán Nhà nước chia thành hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn một (2023- 2025) xây dựng kiến trúc tổng thể, lựa chọn giải pháp công nghệ, xây dựng nền tảng lưu trữ kho dữ liệu, quy hoạch các cơ sở dữ liệu hiện đồng thời thực hiện kết nối, trao đổi dữ liệu thành công với một số đơn vị được kiểm toán. Giai đoạn hai (2026- 2030) mở rộng quy mô hạ tầng dữ liệu giai đoạn một, thực hiện kết nối, trao đổi dữ liệu thành công với các đối tượng được kiểm toán theo quy định của các văn bản pháp luật được ban hành.
Tuy nhiên, một yêu cầu không thể thiếu là nâng cao nhận thức về Chuyển đổi Số trong hoạt động kiểm toán. Mặc dù, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước và chiến lược phát triển công nghệ thông tin với từng giai đoạn cụ thể, coi đây là nhiệm vụ bắt buộc, nhưng trên thực tế, công nghệ thông tin vẫn còn nhiều phức tạp và thách thức.
Do vậy, Kiểm toán Nhà nước sẽ tăng cường tuyên truyền, đào tạo, kiểm tra, giám sát và tăng cường học hỏi các cơ quan kiểm toán tối cao để các kiểm toán viên vừa được nâng cao trình độ, vừa có trách nhiệm trong việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Ứng dụng công nghệ thông tin và Chuyển đổi Số là một hành trình dài và toàn diện, có công nghệ nhưng không thay đổi về nhận thức và hành động thì không có kết quả. Bởi vậy, trước tiên, các kiểm toán viên phải thay đổi từ nhận thức để có thể sở hữu công nghệ.
Thông qua việc đẩy mạnh công nghệ thông tin, Kiểm toán Nhà nước sẽ công khai, minh bạch kết quả kiểm toán một cách nhanh nhất tới công chúng nhằm thúc đẩy trách nhiệm giải trình của Chính phủ và các đơn vị sử dụng nguồn lực công. Đây cũng chính là đóng góp quan trọng của Kiểm toán Nhà nước nhằm sớm ngăn chặn, cảnh báo các hành vi gian lận, tham nhũng, lạm dụng quyền lực có thể xảy ra trong tương lai./.