Năm 2020, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 174 cuộc kiểm toán (158 cuộc theo phân giao kế hoạch đầu năm, bổ sung 22 cuộc và 6 cuộc điều chỉnh giảm theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và đề nghị của các đơn vị có liên quan) và tổ chức 188 đoàn kiểm toán. Theo đó, tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến 4/1/2021 là 60.035 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách Nhà nước 4.965 tỷ đồng và giảm chi ngân sách 13.836 tỷ đồng đồng thời đưa ra các kiến nghị khác với số tiền là 41.234 tỷ đồng.
Nội dung trên được Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành thông tin tại Hội nghị triển khai công tác Kiểm toán Nhà nước năm 2021, ngày 5/1, tại Hà Nội.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 119 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách tránh thất thoát, lãng phí...
Theo ông Thành, năm 2021, Kiểm toán Nhà nước sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ tổ chức 181 cuộc kiểm toán (theo Quyết định số 1688/QĐ-KTNN), từ đó tạo tiền đề thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung nâng cao năng lực, đổi mới tổ chức hoạt động và phương pháp kiểm toán nhằm khắc phục tác động của dịch bệnh COVID-19. Với vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá trong năm qua, mặc dù có rất nhiều khó khăn, song Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều cố gắng và đạt được kết quả tích cực, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của ngành trong nền kinh tế, là công cụ quan trọng của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, tạo niềm tin với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng Kiểm toán Nhà nước cần sáng tạo, chủ động hơn, kiên quyết hơn trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao và đề nghị cần quan tâm đến một số nội dung trọng tâm trong năm 2021.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước phải luôn quán triệt và thể chế hóa nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào hoạt động của Kiểm toán nhà nước, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ để luôn hoạt động đúng định hướng, xác định đúng mục tiêu, trọng tâm kiểm toán nhằm cung cấp thông tin xác thực, thích hợp và kịp thời, phục vụ tốt nhất việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cần khẩn trương xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 và thi hành Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi..., tiếp tục chú trọng tăng cường quy mô kiểm toán, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ kiểm toán đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý tài chính, tài sản quốc gia.
Theo đó, ngành cần tăng cường đốn đốc, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán có hiệu quả hơn, nhất là việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, kịp thời và nghiêm minh...
Về công tác đối ngoại, ông Phùng Quốc Hiển chỉ đạo ngành cần tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, khẳng định vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 nhằm tiếp cận, bồi dưỡng cán bộ kiểm toán Việt Nam về nội dung, phương pháp, kỹ thuật kiểm toán hiện đại, tiên tiến trên thế giới, nâng cao vị trí, hình ảnh của cơ quan Kiểm toán Nhà nước nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.
“Vị thế của Kiểm toán Nhà nước đang ngày càng được đề cao, quyền hạn, trách nhiệm đã được mở rộng. Bên cạnh đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước luôn quan tâm, ủng hộ song cũng đòi hỏi và mong muốn Kiểm toán Nhà nước phải phát triển lớn mạnh hơn nữa, thực hiện và hoàn thành xuất sắc hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao, xứng đáng là cơ quan thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại,” ông Hiển nói./.