Kiểm toán Nhà nước: Hành trình thực hiện sứ mệnh bảo vệ quyền lợi người lao động

Kiểm toán Nhà nước yêu cầu công khai, minh bạch trong hoạt động tài chính là đảm bảo quyền của người lao động được tiếp cận với hệ thống quản lý cũng như tất cả những thông tin tài chính của đơn vị.

Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều doanh nghiệp không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động. (Ảnh: Vietnam+)
Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều doanh nghiệp không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động. (Ảnh: Vietnam+)

30 năm xây dựng và phát triển, Kiểm toán Nhà nước không chỉ thực hiện nhiệm vụ chính là kiểm toán việc quản lý, sử dụng các nguồn lực công, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước mà còn luôn đồng hành, gắn bó, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thông qua hoạt động kiểm toán Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động đồng thời là đơn vị được kiểm toán.

Yêu cầu trả lương đúng hạn

Tiến sỹ Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành II, Kiểm toán Nhà nước, cho biết Cơ quan Kiểm toán đã góp ý vào các chính sách liên quan đến người lao động như chính sách tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Kiểm toán Nhà nước cũng tham gia ý kiến đối với Luật Lao động, Luật Công đoàn, các chính sách liên quan đến việc quản lý kinh phí công đoàn, việc quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

“Đây là một đóng góp rất quan trọng và căn bản, qua đó Kiểm toán Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động,” tiến sỹ Lê Đình Thăng nói.

Theo Kiểm toán trưởng chuyên ngành II, khi kiểm toán tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, kiểm toán viên Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề tuân thủ pháp luật và việc thực hiện chính sách đối với người lao động, như doanh nghiệp có nộp đầy đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động, đóng đầy đủ bảo hiểm y tế, thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, đóng kinh phí đầy đủ để tổ chức công đoàn hoạt động... và quan tâm đến việc trả lương cho người lao động có đầy đủ, kịp thời, đúng hạn hay nợ lương của người lao động.

khoa_hoc_3.jpg
Trên thực tế, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu nhiều cơ quan, doanh nghiệp phải trả lương kịp thời, đúng hạn cho người lao động để họ yên tâm làm việc. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Từ việc đặt vấn đề như vậy, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều doanh nghiệp không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, từ đó kịp thời kiến nghị và yêu cầu cơ quan, đơn vị phải đảm bảo quyền lợi đầy đủ cho người lao động. Trên thực tế, Cơ quan Kiểm toán đã yêu cầu nhiều cơ quan, doanh nghiệp phải trả lương kịp thời, đúng hạn cho người lao động để họ yên tâm làm việc.

Cắt nghĩa cụ thể hơn, tiến sỹ Lê Đình Thăng chia sẻ về cơ bản những nhìn nhận chung thường hiểu rằng Kiểm toán Nhà nước chỉ lo đến quyền lợi của Nhà nước, đảm bảo việc quản lý tiền, tài sản đầy đủ, quản lý vốn Nhà nước đầy đủ, thu thuế đầy đủ. Do vậy, không ít đơn vị được kiểm toán đã rất “ngạc nhiên” - việc tại sao Kiểm toán Nhà nước lại quan tâm đến người lao động như vậy?

“Thế nhưng với Kiểm toán Nhà nước, đây là việc tuân thủ pháp luật của các đơn vị đối với người lao động và cũng là việc bảo vệ quyền lợi người lao động. Hơn nữa, khi bảo vệ quyền lợi đầy đủ cho người lao động, người lao động sẽ phấn khởi làm việc và đó là động lực để phát triển nền kinh tế,” tiến sỹ Lê Đình Thăng nói.

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước thực hiện tại Quỹ Công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quản lý, đã luôn đưa ra các ý kiến để Tổ chức công đoàn diện quyền, lợi ích hợp pháp và bảo vệ người lao động một cách tốt nhất. Thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã nêu rất nhiều vấn đề để đảm bảo người lao động được chăm lo, như những bất cập trong hệ thống văn bản quy định về quản lý Quỹ Công đoàn, quản lý tài sản công đoàn. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp chưa được kết nạp vào tổ chức công đoàn nhưng vẫn đóng 2% kinh phí công đoàn và khoản này đã được tính vào giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, người lao động trong đơn vị đó lại không được công đoàn bảo vệ, ốm đau không được thăm hỏi. Khi phát hiện điều này, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo liên đoàn lao động các địa phương phải nhanh chóng thành lập tổ chức công đoàn, nếu chưa thành lập được thì công đoàn lao động cấp trên phải trực tiếp chăm lo cho người lao động bởi vì họ đã đóng kinh phí công đoàn.

“Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng đưa ra ý kiến đối với việc xây dựng các thiết chế công đoàn, như thiết chế có phù hợp với việc bảo vệ người lao động không và tại sao một số thiết chế không sử dụng được, trong khi đó người lao động có nhu cầu. Chẳng hạn, các thiết chế công đoàn xây nhà cho công nhân ở nhưng nhà lại quá xa so với nơi công nhân làm việc. Hoặc, khu công nghiệp không có nơi chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, không có nhà trẻ, trường học cho con công nhân... Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị các cấp công đoàn chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động tốt hơn,” tiến sỹ Lê Đình Thăng nhấn mạnh.

Không công khai tài chính cho người lao động

Cũng theo ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán Nhà nước luôn đồng hành với người lao động bằng công tác kiểm toán đối với quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Các Quỹ này vốn dĩ do người lao động và người sử dụng lao động đóng góp thành quỹ công nên phải được kiểm toán để đảm bảo quỹ sử dụng đúng mục đích, phục vụ thiết thực cho người lao động. Do vậy, các chế độ hưu trí, tử tuất, chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ bảo hiểm thất nghiệp luôn luôn được kiểm toán để đảm bảo các quỹ của người lao động được thực hiện đúng mục đích và quyền lợi người lao động được đảm bảo.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng luôn tập trung đến việc tuân thủ Luật Lao động, đặc biệt là việc làm thêm giờ để người lao động không bị lạm dụng, đảm bảo sức khỏe.

“Đây là sự đồng hành của Kiểm toán Nhà nước mà ít cơ quan thanh tra, kiểm tra nào lại quan tâm sát sao như cơ quan kiểm toán,” tiến sỹ Lê Đình Thăng chia sẻ.

Việc công khai tài chính và công khai kết quả kiểm toán cũng được Kiểm toán Nhà nước quan tâm. Tiến sỹ Lê Đình Thăng cho biết khi kiểm toán tại các đơn vị, Kiểm toán Nhà nước luôn yêu cầu phải công khai để người lao động được tiếp cận thông tin. Thực tế, rất nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không thực hiện công khai và người lao động không biết hoạt động tài chính của đơn vị như thế nào, quyền lợi của mình có bị ảnh hưởng không...

“Chính việc yêu cầu công khai, minh bạch này tạo ra sự minh bạch trong quản lý tài chính để người lao động được quyền tiếp cận với hệ thống quản lý cũng như tất cả những thông tin tài chính của đơn vị,” tiến sỹ Lê Đình Thăng thẳng thắn chia sẻ.

Vị đại diện Kiểm toán Nhà nước khẳng định từ khi thành lập và thực hiện kiểm toán, chưa có một cuộc kiểm toán nào, chưa có năm nào Kiểm toán Nhà nước không đề cập đến những vấn đề này. Ông cũng cam kết trong những năm tiếp theo, Kiểm toán Nhà nước sẽ luôn giữ được niềm tin và vị trí xứng đáng trong lòng người lao động, đó là kiểm toán xác nhận thông tin sử dụng, quản lý các quỹ công, trong đó có quỹ của người lao động như Quỹ Công đoàn, Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Vì, đây là một trong những sứ mệnh mà Kiểm toán Nhà nước phải tiếp tục thực hiện.

“Tôi hy vọng rằng, ở những chặng đường tiếp theo, người lao động cũng thấu hiểu được sự đồng hành của Kiểm toán Nhà nước và chia sẻ với hoạt động của Kiểm toán Nhà nước để Kiểm toán Nhà nước đảm bảo thực hiện được sứ mệnh vì nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững, trong đó có sự minh bạch, bền vững về việc tuân thủ chính sách đối với người lao động, đồng hành với người lao động cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động,” tiến sỹ Lê Đình Thăng chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục