Kiểm toán Nhà nước "điểm mặt" hàng loạt dự án đội vốn ngất ngưởng

Không chỉ đội vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nhiều dự án xây dựng còn được phê duyệt khi chưa xác định rõ nguồn vốn, không phù hợp với quy hoạch tổng thể hay thậm chí thiếu thủ tục đấu thầu.
Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Không chỉ đội vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nhiều dự án xây dựng còn được phê duyệt khi chưa xác định rõ nguồn vốn, không phù hợp với quy hoạch tổng thể hay thậm chí thiếu thủ tục đấu thầu.

Đây là những đánh giá về công tác kiểm tra, giám sát dự án đầu tư vừa được Kiểm toán Nhà nước chính thức công bố ngày hôm nay (25/7) trong báo cáo kiểm toán năm 2013.

Cụ thể, theo báo cáo ngành kiểm toán, một số công trình giao thông đang có tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư khá lớn. Đang chú ý, dự án tín dụng ngành giao thông để cải tạo mạng lưới đường quốc gia giai đoạn 1 đã phải điều chỉnh tăng 3 lần tổng mức đầu tư, từ 2.293 tỷ đồng lên 6.961 tỷ đồng.

Cùng tình trạng trên, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Pác Bó-Cao Bằng và đoạn Chơn Thành-Đức Hòa cũng đã phải điều chỉnh tăng vốn hơn 302,9 tỷ đồng. Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Bờ Đậu-Cửa khẩu Tà Lùng đội từ 544,69 tỷ đồng lên tới hơn 1.291 tỷ đồng.

Riêng với thành phố Hà Nội, thống kê của Kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy, dự án đường tỉnh 420 đã phải điều chỉnh vốn hơn 69,69 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 180%. Thậm chí, dự án chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với hạ ngầm đường dây, cáp trên phố Trần Hưng Đạo cũng phải điều chỉnh bổ sung ngay sau khi phê duyệt tổng số vốn.

Tình trạng đội vốn lên tới hàng trăm tỷ đồng này theo ông Ngô Văn Quý, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 4 là do chất lượng khảo sát, thiết kế dự án trong thời gian qua chưa tốt dẫn tới khi thực hiện phải điều chỉnh quy mô.

Ngoài ra, theo ông Quý, thời gian thi công thường kéo dài do nhiều địa phương gặp khi giải phóng mặt bằng đã dẫn tới chi phí cho nhiều dự án, công trình tăng vọt. Điều này khiến nhiều địa phương thiếu chủ động bố trí vốn cũng như quản lý Nhà nước.

Chỉ ra thêm thực trạng, báo cáo ngành kiểm toán cho rằng, nhiều dự án không phù hợp với quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết và đầu tư thiếu đồng bộ.

Trong số này, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Pác Bó-Cao Bằng theo ngành kiểm toán là chưa phối hợp với địa phương về quy hoạch dẫn tới phải điều chỉnh hướng và kết cấu một số tuyến. Dự án nâng cấp đoạn Km0-Km15 quốc lộ 47 tỉnh Thanh Hóa cũng trong tình trạng tương tự khi được phê duyệt thiếu đồng bộ dẫn tới không đảm bảo kết nối liên tục với các tuyến hiện có. Kết quả kiểm toán Nhà nước cho rằng, đây cũng là nguyên nhân không nhỏ dẫn tới tăng chi phí đầu tư

Ở phương diện khác, đánh giá của Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh việc nhiều dự án đầu tư được phê duyệt khi chưa xác định rõ nguồn vốn, không phê duyệt kế hoạch đấu thầu, lựa chọn nhà thầu không đảm bảo năng lực.

Đại diện Kiểm toán Nhà nước lấy ví dụ về một loạt công trình không xác định rõ nguồn vốn như 47 dự án cấp tỉnh của Phú Thọ, dự án bệnh viện thị xã Hà Tiên của tỉnh Kiên Giang, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu dân cư Cần Gù ở Hải Phòng,....

Việc lựa chọn nhà thầu không đảm bảo năng lực được chỉ ra trong một số dự án như: dự án tín dụng ngành giao thông vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia giai đoạn 1, dự án tuyến đường bộ Phủ Lý-Mỹ Lộc hay một số gói thầu tái định cư do Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu làm chủ đầu tư,...

Từ thực trạng này, đại diện Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát lại toàn bộ dự án để đánh giá rõ nguyên nhân tăng vốn đầu tư và nợ đọng vốn với từng công trình.

Góp thêm ý kiến, ông Ngô Văn Quý, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 4 cho rằng cơ quan chức năng cần tăng cường trách nhiệm trong việc tư vấn, khảo sát dự án, tránh việc triển khai rồi lại phải thay đổi, điều chỉnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục