Kiểm toán Nhà nước chuyển 5 vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra

Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 Trần Sỹ Thanh. (Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 22/7, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh đã trình bày trước Quốc hội báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh, qua tổng hợp kết quả kiểm toán của 235 báo cáo kiểm toán trong năm 2020 đối với niên độ ngân sách năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 61.761 tỷ đồng. Trong đó, tăng thu 5.103 tỉ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước 13.247 tỷ đồng.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng đã chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

[Luật Đất đai sửa đổi: Nếu chậm thông qua, hàng trăm nghìn tỷ sẽ ứ đọng]

Cùng với đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế, ban hành mới 205 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật, chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí.

Cũng theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, trong năm 2019 đã quyết toán 1.553.611 tỷ đồng, tăng 10,1% so với dự toán giao; bằng 108,5% thực hiện năm 2018. Song kết quả tăng thu nội địa chủ yếu từ tiền sử dụng đất 63.738 tỷ đồng.

Thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước đạt 24.834 tỷ đồng và phát sinh một số khoản thu ngoài dự toán như: Kho bạc Nhà nước nộp 5.000 tỷ đồng từ quỹ phát triển hoạt động của ngành Kho bạc Nhà nước (do vận dụng theo cơ chế của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay chưa có quy định về cơ chế và tỷ lệ nộp ngân sách nhà nước đối với khoản kinh phí này).

Trong khi đó, một số khoản thu chính từ hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nội địa đều hụt thu so với dự toán giao (và là tình trạng diễn ra trong 3 năm liên tục).

Bên cạnh đó, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, dẫn đến tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách nhà nước… vẫn diễn ra khá phổ biến tại các đơn vị được kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước xác định tăng thêm 5.103 tỷ đồng.

“Tình trạng nợ thuế chậm được khắc phục, trong đó nợ thuế do cơ quan thuế quản lý đến 31/12/2019 là 99.705 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2018; nợ thuế do cơ quan hải quan quản lý quá hạn đến 31/12/2019 là 7.047 tỷ đồng, tăng 4,9% so với năm 2018,” Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục