Ông Cao Văn Hùng, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, các sai sót, tồn tại vừa được Kiểm toán Nhà nước nêu ra tại dự án Giao thông nông thôn 3 (WB3) do Ban Quản lý dự án 6 làm đại diện chủ đầu tư đang được khẩn trương xử lý, tập trung chủ yếu vào việc xem xét trách nhiệm quản lý của địa phương.
Về nhiệm vụ điều hành, đối với các sai sót được phát hiện qua các đợt kiểm tra và hậu kiểm của Ban Quản lý dự án 6, hoặc qua các báo cáo của các dịch vụ tư vấn của dự án như: tư vấn kiểm toán tài chính, kiểm toán nội bộ, kiểm toán kỹ thuật, Ban Quản lý dự án 6 đã kịp thời báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xin chỉ đạo xử lý, có ý kiến và đôn đốc địa phương chỉnh sửa, khắc phục và có báo cáo về kết quả khắc phục cho Bộ Giao thông Vận tải và nhà tài trợ.
Đối với thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Ban Quản lý dự án 6 đã phối hợp các Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, chỉ đạo, đôn đốc các ban quản lý dự án các địa phương nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, xác định trách nhiệm tập thể, các nhân đã để xẩy ra sai sót.
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã thông báo kết quả kiểm toán Dự án WB3, theo đó, dự án đã cơ bản bám sát các mục tiêu đề ra, cụ thể, sau gần 7 năm thực hiện tại 33 tỉnh tham gia dự án từ Bắc Bộ đến Nam Trung Bộ đã nâng cấp cải tạo 3.283km đường huyện, xã, bảo trì mạng lưới đường huyện đạt 22.723km.
Bên cạnh đó, dự án đã hỗ trợ các tỉnh mở nhiều khóa đào tạo, tập huấn cho 18.750 lượt cán bộ trong việc lập kế hoạch, ngân sách, bảo dưỡng đường giao thông nông thôn, giám sát cộng đồng…
Mặc dù vậy, báo cáo kết quả kiểm toán đã chỉ ra những sai sót ở một số khâu quan trọng, ít nhiều đã làm giảm hiệu quả đầu tư của Dự án.
Trong đó, sai sót tập trung nhiều nhất tại khâu chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ trong quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước phát hiện hồ sơ khảo sát chưa thực hiện đầy đủ theo quy trình khảo sát đường ôtô 22TCN263-2000 và Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật của dự án như: không điều tra thu thập mực nước lũ hàng năm (một số tuyến đường tại Hưng Yên); không xác định vị trí, trữ lượng của mỏ vật liệu dẫn đến việc phải bổ sung dự toán (tại tỉnh Thừa Thiên Huế).
Tại Hưng Yên, nhà thầu tư vấn lập dự án thậm chí còn thực hiện khảo sát hiện trường trước khi có quyết định phê duyệt kết quả chỉ định thầu và hợp đồng được ký kết. Trách nhiệm đối với các tồn tại trên thuộc về các đơn vị tư vấn tham gia lập dự án và các ban quản lý dự án địa phương.
Liên quan tới công tác quản lý tiến độ, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, Dự án WB3 vẫn còn một số gói thầu bị chậm tiến độ, phải gia hạn thời gian hoàn thành. Ngoài ra, việc lựa chọn một số tuyến đường đầu tư còn chưa tuân thủ đầy đủ các bước quy định trong Sổ tay điều hành dự án, như chưa thực hiện lập một số hồ sơ làm cơ sở lựa chọn tuyến (2 tuyến đường tại Sơn La, 3 tuyến tại tỉnh Lai Châu, các tuyến đường giao thông hợp phần nâng cấp, cải tạo tại tỉnh Quảng Nam).
Bên cạnh đó, trong quá trình lập kế hoạch đầu tư hàng năm, một số ban quản lý dự án của Sở Giao thông Vận tải đã không cập nhật đầy đủ thông tin về các chương trình, dự án khác đang được triển khai trên địa bàn, dẫn đến việc trình, phê duyệt kế hoạch đầu tư hàng năm chưa chính xác...
Để xử lý các sai sót nói trên, Kiểm toàn Nhà nước yêu cầu Ban Quản lý dự án 6, một số ban quản lý dự án địa phương tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai sót trong việc tổ chức, quản lý, thực hiện dự án.
Sau khi nhận kết quả kiểm toán, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị được kiểm toán thực hiện nghiêm túc, đầy đủ kiến nghị và yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 31/3/2015.
Dự án Giao thông nông thôn 3 được thực hiện từ tháng 9/2007 và kết thúc vào tháng 6/2014 có mức đầu từ là 257,224 triệu USD trong đó, vốn vay IDA của của Ngân hàng Thế giới (WB) là 203,25 triệu USD và vốn viện trợ không hoàn lại của Vương quốc Anh (DFID) là 53,97 triệu USD./.