Kiểm toán Nhà nước: Cần phải điều chỉnh tự chủ đại học công lập

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tạm dừng tăng mức thu học phí cho đến khi ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật làm căn cứ để các trường đại học công lập xây dựng giá dịch vụ đào tạo.
(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Kết quả kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tại 23 trường đại học công lập thuộc Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy các đơn vị trực thuộc đang hoạt động dưới nhiều mô hình tổ chức, phương thức quản lý khác nhau, dẫn đến việc thực hiện quản lý tài chính gặp nhiều bất cập.

Trên thế giới, vấn đề tự chủ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập không mới và tại Việt Nam, khái niệm này đã xuất hiện khoảng gần hai thập kỷ. Qua quá trình thực hiện, tự chủ đại học đã đem lại một số thành tựu song cũng đặt ra nhiều vấn đề cần sớm được khắc phục.

Chậm hoàn thiện Thông tư hướng dẫn

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, các trường đã từng bước chủ động tổ chức sắp xếp lại nhân sự, nhiều đơn vị đã triển khai thành lập Hội đồng trường, thực hiện tinh giảm biên chế, tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, đồng thời nâng cao thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn bộc lộ một số mặt hạn chế nhất định.

Cụ thể, với công tác ban hành, hướng dẫn thực hiện các văn bản, mặc dù đa có Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập (thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ-CP) song đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đang hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn và lấy ý kiến tham gia của các bên liên quan. Vì vậy, việc tự chủ về tổ chức bộ máy, biên chế (ngoại trừ các đại học vùng cơ bản được giao quyền tự quản lý về biên chế) các cơ sở đào tạo vẫn thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2009/TTLT-BGDĐT-BNV.

Theo quy định tại thông tư, các đơn vị tự đảm bảo kinh phí được quyền quyết định biên chế nhưng vẫn phải có trách nhiệm báo cáo với cơ quan cấp trên để quản lý theo dõi, còn đối với đơn vị tự đảm bảo một phần kinh phí phải xây dựng kế hoạch biên chế hàng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Theo Kiểm toán Nhà nước, điều này là không phù hợp với Nghị định 43: “Đối với đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động, được tự quyết định biên chế” và chưa phù hợp quy định của Luật Giáo dục đại học, Quyết định số 70/QĐ-TTg về điều lệ tổ chức trường đại học,trong đó cho phép các trường được quyền tự chủ trong tổ chức bộ máy, lao động.

Kết quả kiểm toán còn chỉ ra những vấn đề bất cập trong công tác xắp xếp lại, hoàn thiện cơ cấu tổ chức tại Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trước đó (thời điểm 31/12/2018), toàn ngành còn 11/36 trường chưa thành lập Hội đồng trường. Công tác thẩm định và phê duyệt đề án vị trí việc làm còn rất chậm, khi mà (thời điểm 28/5/2019) có 27/27 trường đã xây dựng đề án vị trí việc làm gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng Bộ mới chỉ phê duyệt duy nhất 1 đề án, còn lại 26 đơn vị chưa được thẩm định chiếm tỷ lệ 96,2%.

Bên cạnh đó, mô hình tổ chức của các đơn vị trực thuộc trường đại học đang hoạt động thiếu đồng nhất dẫn đến quản lý tài chính bất cập. Cụ thể, ngoại trừ Trường Đại học Thương mại, 22 trường còn lại vừa có trung tâm, viện (thuộc khoa) hoạt động theo mô hình như một bộ phận phụ thuộc-vừa có trung tâm, viện hoạt động độc lập; 2 trường có bệnh viện trực thuộc, 5 trường có mô hình doanh nghiệp, công ty trực thuộc, 4 trường có các đơn vị trực thuộc hoạt động không hiệu quả nhưng không giải thể được vì do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập các đơn vị này.

“Đối với các quy định về quản lý tài chính và mô hình tổ chức hoạt động của các đơn vị trực thuộc trường, trừ các viện, trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ đã có văn bản hướng dẫn hoạt động, còn lại trung tâm trực thuộc khác chưa có văn bản hướng dẫn về cơ chế tài chính, chế độ kế toán thống nhất cũng như trách nhiệm của nhà trường với các đơn vị trực thuộc. Do đó, 20 trường đại học tự chủ chưa hợp nhất báo cáo của đơn vị trực thuộc vào báo cáo tài chính của trường," đại diện kiểm toán cho biết.

Tuyển sinh vượt năng lực đào tạo

Trên thực tế, các cơ sở giáo dục đại học tự chủ đã được giao nhiều quyền hơn trong các lĩnh vực, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính, chủ động, linh hoạt hơn trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường.

Song báo cáo kiểm toán cho biết một số trường đại học tuyển sinh chưa đảm bảo quy định hiện hành, như xác định chỉ tiêu, thực hiện tuyển sinh vượt năng lực đào tạo về giảng viên cơ hữu, điều kiện cơ sở vật chất. Thậm chí, một số trường không xác định chỉ tiêu tuyển sinh hệ liên kết đào tạo quốc tế trong chỉ tiêu đào tạo hoặc sử dụng cơ sở vật chất đi thuê để xác định điều kiện cơ sở vật chất khi xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh.

Đáng lưu ý, nhiều cơ sở đào tạo mở mã ngành đào tạo mới nhưng chưa chú trọng khảo sát tính cấp thiết của việc mở mã ngành, dẫn đến số lượng tuyển sinh của một số ngành này đạt kết quả thấp và không tuyển sinh được. Kiểm toán 9/25 trường (giai đoạn 2016-2018) cho thấy 22 ngành mở mới số lượng tuyển sinh rất thấp, một số ngành đã hạ điểm tuyển sinh đầu vào bằng với điểm xét tuyển của trường nhưng không thu hút được sinh viên theo học.

Tại nhiều cơ sở giáo dục đại học có những sai sót trong việc xây dựng các chương trình đào tạo, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đầu ra và tăng gánh nặng học phí của người học, như xây dựng chương trình tiếng Anh không đủ số tín chỉ hoặc không có môn tiếng Anh trong chương trình đào tạo là chưa tương xứng với chuẩn đầu ra và các quy định điều kiện xét tốt nghiệp của các trường.

“Để đủ điều kiện tốt nghiệp, người học phải trả thêm chi phí để đủ điều kiện đầu ra về tiếng Anh là chưa đúng với tinh thần của chính sách tự chủ mà Đảng, Chính phủ đã ban hành,” báo cáo kiểm toán chỉ ra.

Thêm vào đó, một số trường không xét số tín chỉ của các môn học điều kiện (giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng) trong tổng số tín chỉ toàn khoá khi xác định đơn giá của một tín chỉ, điều này không đúng quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, dẫn đến người học phải trả thêm chi phí học giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng là lên tới 56,8 tỷ đồng.

Chưa chú trọng kiểm định chất lượng đào tạo

Tại một số trường đại học, kiểm toán Nhà nước phát hiện thấy tình trạng liên kết đào tạo với các đối tác trong và ngoài nước trong điều kiện về cơ sở vật chất không đảm bảo, chương trình chưa được kiểm định, giáo trình chưa tự xây dựng. Hơn nữa, giảng viên giảng dạy thì không bảo đảm và học viên lại chưa đủ điều kiện đầu vào theo chương trình xây dựng. Một số trường thực hiện liên kết khi chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép hay mở các khóa lần đầu tại các địa phương chưa có văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh... Cá biệt, thông qua thẩm định công nhận bằng tốt nghiệp, nhiều học viên đã không được công nhận bằng tốt nghiệp từ các chương trình liên kết đào tạo có yếu tố nước ngoài.

Thực tế kết quả kiểm toán còn cho thấy nhiều trường chưa thực sự chú trọng công tác đổi mới nâng cao chất lượng chương trình đào tạo. Việc đổi mới chủ yếu điều chỉnh một số tín chỉ môn học phù hợp với thực tế đào tạo, cập nhật đề cương môn học, giảm bớt số tín chỉ các môn học đại cương, tăng tín chỉ tiếng Anh hoặc tăng giảm số tín chỉ các môn học tự chọn. Ngoài ra, một số trường xây dựng chương trình tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế song gặp nhiều trở ngại và không đem lại hiệu quả.

(Ảnh minh họa: PM/Vietnam+)

Nhìn chung công tác kiểm định chất lượng giáo dục tại các trường chưa được quan tâm đồng đều, đội ngũ cán bộ chuyên trách thiếu, nguồn lực đầu tư hạn chế. Tiến độ triển khai công tác tự đánh giá của một số trường còn chậm, nhiều đơn vị chưa thực hiện. Chủ yếu các trường đang quan tâm đến kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, chưa chú trọng vào chất lượng chương trình đào tạo.

Kiến nghị tạm dừng tăng học phí

Từ kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra các nhóm giải pháp. Về chính sách, cơ quan chức năng cần sớm xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp để thực hiện cơ chế tự chủ, tránh tình trạng chồng chéo, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện tự chủ.

Bên cạnh đó. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm nghiên cứu, hoàn thiện, báo cáo Chính phủ xem xét ban hành khung quy định tỷ lệ các nội dung chi từ nguồn thu học phí, lộ trình tăng học phí phải gắn với trách nhiệm nâng cao chất lượng đào tạo. Quy định cụ thể các khoản được thu hoặc không được thu, nhằm đảm bảo tính minh bạch, công khai thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Bộ cũng cần sớm ban hành hành văn bản hướng dẫn thống nhất, toàn diện về cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập theo quy định tại Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo đại học, nâng cao trách nhiệm giải trình gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục đạo về tính công khai, minh bạch trong các khoản mục thu chi tại đơn vị.

Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị tạm dừng tăng mức thu học phí cho đến khi ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật làm căn cứ để các trường đại học công lập xây dựng giá dịch vụ đào tạo, đảm bảo phù hợp với thu nhập bình quân trên đầu người, để học phí không trở thành gánh nặng của người học, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục