Tiến độ nhiều gói thầu trong dự án đường Hồ Chí Minh 7 đoạn qua các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum đã chậm tới vài năm với nguyên nhân chủ quan xuất phát từ năng lực của nhà thầu.
Theo thông tin vừa được Kiểm toán Nhà nước thông báo, kết quả kiểm toán dự án trên trong thời gian từ ngày 28/3 tới 5/6 cho thấy, phần lớn các gói thầu đều không đảm bảo tiến độ so với hợp đồng ban đầu. Cụ thể, gói 1, 2, 3, 4 đoạn kéo dài phía Nam Pleiku đã chậm 26 tháng, gói 3 đi qua thị xã Kon Tum chậm 24 tháng, gói 1 chậm 22 tháng đoạn đi qua thị trấn Đăk Mil (Đăk Nông),…
Đặc biệt, theo thống kê của phía kiểm toán, một số gói thầu của dự án chậm trên 30 tháng hay thậm chí có gói đã chậm 7 năm.
Nguyên nhân chậm tiến độ được Kiểm toán Nhà nước cho rằng do thời gian thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng chậm, tiến độ bàn giao mặt bằng không đáp ứng được tiến độ thi công.
Thậm chí, tới thời điểm kiểm toán, một số gói thầu của dự án trên vẫn chưa bàn giao hết mặt bằng như đoạn kéo dài thành phố Pleiku, gói 2 đoạn phía Nam thành phố Buôn Ma Thuột.
Tuy vậy, một nguyên nhân khác được ngành kiểm toán chỉ ra là một số nhà thầu trong quá trình thi công không huy động máy móc, nhân lực thi công như yêu cầu trong hợp đồng và năng lực tài chính yếu làm ảnh hưởng tới tiến độ công việc.
Cũng liên quan tới nhà thầu, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nhận định, việc lựa chọn nhà thầu của dự án đường Hồ Chí Minh qua một số tỉnh như trên còn tồn tại những hạn chế trong lựa chọn hình thức đấu thầu và sai sót trong trong việc tính điểm, nhận xét, đánh giá.
Ngoài ra, theo đại diện Kiểm toán Nhà nước, việc phân công nhiệm vụ tổ đấu thầu chưa phù hợp hay chấp nhận các gói thầu vi phạm tiêu chí loại bỏ (hồ sơ dự thầu của Công ty 508). Thời gian xét thầu, thẩm định kết quả chậm so với quy định, chậm phê duyệt kết quả đấu thầu cũng là những vấn đề liên quan tới lựa chọn nhà thầu mà báo cáo ngành kiểm toán nhắc tới.
Về quản lý chất lượng công trình, đánh giá của ngành kiểm toán cho rằng, công tác này còn thiếu biện pháp thi công và tiến độ chi tiết và thiếu nhiều biên bản trong quá trình quản lý như: biên bản kiểm tra chất lượng, chủng loại, tính năng vật liệu, sản phẩm xây dựng,…
Kết quả kiểm tra hiện trường cho thấy, cao độ mặt đường còn chưa đảm bảo theo thiết kế, bó vỉa tại một số vị trí có hiện tượng nứt vỡ, hệ thống thoát nước chưa có tấm đan,…
Qua đó, đại diện Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh chấn chỉnh một số công tác trong đó có thẩm tra, lựa chọn nhà thầu, quản lý chất lượng, tiến độ. Đơn vị này cũng được kiến nghị phối hợp với các bên liên quan làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm từng bên trong việc làm chậm tiến độ.
Với Bộ Giao thông vận tải, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước kiến nghị cơ quan này chỉ đạo với Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai sót./.
Đường Hồ Chí Minh là công trình quan trọng quốc gia đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể.Theo dự án, đường Hồ Chí Minh sẽ điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau) được chia thành 3 giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1 đầu tư hoàn chỉnh với quy mô 2 làn xe bao gồm cả kiên cố hóa và chống sạt lở đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội)-Tân Cảnh (Kon Tum). Giai đoạn 2 đầu tư để nối thông đường từ Pác Bó đến Đất Mũi với quy mô 2 làn xe. Giai đoạn 3 là hoàn chỉnh toàn tuyến và từng bước xây dựng các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch được duyệt và khả năng nguồn vốn trong đó lưu ý kết nối với quy hoạch hệ thống đường sắt, đường ngang và các quy hoạch khác có liên quan.