“Chất lượng nước tại một số khu vực thuộc lưu vực sông Mekong đang có dấu hiệu ô nhiễm. Tình trạng suy thoái nguồn nước trong khu vực đã kéo theo những ảnh hưởng và tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, sinh kế, đời sống của người dân.”
Đây là nội dung được nêu ra trong báo cáo “Kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mekong” gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, do Kiểm toán Nhà nước tại 3/6 quốc gia thuộc lưu vực sông Mekong gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanma hợp tác thực hiện.
Chất lượng nước đang có dấu hiệu ô nhiễm
Trên cơ sở báo cáo kiểm toán chỉ ra nhiều kết quả quan trọng, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã chủ trì tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán hợp tác về công tác quản lý nguồn nước tại lưu vực sông Mekong, ngày 30/11. Với hình thức tổ chức trực tuyến, hội thảo đã thu hút được sự tham gia của các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Nepal, Mông Cổ, Bhutan, Pakistan, Nhật Bản và Oman.
Ông Đinh Văn Dũng, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành III, Trưởng Đoàn kiểm toán cho biết cuộc kiểm toán thực hiện trong bối cảnh toàn lưu vực đã và đang phải đối mặt với các thách thức to lớn cùng những tác động tiêu cực không thể lường trước, bắt nguồn từ hiện tượng biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường cũng như việc quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước thiếu bền vững có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hơn 65 triệu người dân.
Trên cơ sở tổng hợp kết quả kiểm toán cho thấy chính phủ các nước đã có sự quan tâm, chú trọng và đưa ra nhiều nỗ lực, giải pháp trong công tác quản lý nguồn nước sông Mekong gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Tuy nhiên, các báo cáo kiểm toán cũng phản ánh tình trạng suy thoái nguồn nước sông Mekong kèm theo những ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, sinh kế, đời sống của người dân đã và đang diễn ra tại cả ba quốc gia. Hơn thế, chất lượng nước tại một số khu vực hiện đang có dấu hiệu ô nhiễm.
Cụ thể, kết quả phân tích chất lượng nước ở 5 khu vực (tại Myanma) đã phản ánh một số chỉ tiêu hóa học, sinh học vượt quy chuẩn cho phép, không phù hợp để sử dụng phục vụ mục đích sinh hoạt của người dân. Theo Kiểm toán Nhà nước Myanma, nguyên nhân ban đầu được xác định là do ảnh hưởng từ chất diệt côn trùng, chất thải hóa học từ các ngành nông nghiệp và chăn nuôi, dự án khai thác mỏ, khách sạn, nhà hàng và khu vực dân cư bên bờ sông.
Phía Việt Nam, tình trạng chất lượng nước mặt, nước ngầm cũng có dấu hiệu bị ô nhiễm vi sinh, nhiễm phèn và có độ mặn cao cũng đã xuất hiện tại một số địa phương; đặc biệt là vào mùa khô và tại các khu vực thành thị, các khu công nghiệp nơi tập trung nhiều cơ sở chế biến, sản xuất hoặc các khu vực tiếp giáp biển.
“Nguyên nhân được xác định có thể là do tác động từ hoạt động xả thải trong quá trình sản xuất, sinh hoạt cũng như tình trạng suy giảm số lượng nước sông Mekong, dẫn đến thiếu nước ngọt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng tự làm sạch và rửa mặn tự nhiên của dòng sông,” báo cáo chỉ ra.
“Hiệu ứng dòng nước đói”
Về số lượng nước, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam và Thái Lan đều ghi nhận tình trạng thiếu nước có xu hướng ngày càng gia tăng.
Kiểm toán Nhà nước Thái Lan đã làm rõ hoạt động xả cặn là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến việc bồi tụ cặn, lắng đọng phù sa, dẫn đến sự xuất hiện của “hiệu ứng dòng nước đói” - khi dòng chảy của sông vượt quá khả năng vận chuyển phù sa gây ra hiện tượng xói mòn lòng và bờ sông, đang có xu hướng ngày càng gia tăng.
Theo Kiểm toán Nhà nước Thái Lan, “hiệu ứng dòng nước đói” là nguyên nhân gây ra xói mòn và phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng, nhà ở của người dân dọc theo ven bờ sông đồng thời việc thiếu hụt phù sa cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hệ thống sinh thái trên sông. Cụ thể, 79% trong số 602 hộ gia đình làm nghề nông và ngư nghiệp ở 8 tỉnh dọc theo sông Mekong cho biết sự biến đổi của sông Mekong làm giảm thu nhập của họ.
Ngoài ra, cơ quan Kiểm toán Nhà nước Việt Nam chỉ ra mối liên hệ giữa việc suy giảm số lượng, chất lượng nước, phù sa trong nước, yếu tố biến đổi khí hậu đến hệ sinh thái-đa dạng sinh học và cuộc sống của người dân.
“Việc thiếu nước ngọt nghiêm trọng vào mùa khô cùng tình trạng xâm nhập mặn khiến cho hàng ngàn hộ dân cư tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long sống trong điều kiện thiếu nước sinh hoạt. Hàng trăm nghìn lao động đã phải di dời khỏi địa phương để tìm kiếm việc làm. Về nguồn đất, 500.000 ha cây trồng bị phá hủy, trên 500.000ha cây trồng, 1,5 triệu ha đất có dấu hiệu suy thoái và trên 2.000 vụ sạt lở, sụt lún với thiệt hại ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Đối với công tác quản lý, Kiểm toán Nhà nước Myanma lại cho biết Hướng dẫn phát thải chất lượng môi trường chưa xây dựng bộ tiêu chuẩn phù hợp với thực tiễn tại Myanma. Thêm vào đó, Kiểm toán Nhà nước Thái Lan cho hay kết quả khảo sát 16 cộng đồng dân cư phản ánh thiếu hệ thống cảnh báo đối với những biến động của dòng sông Mekong.
Với Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước đánh giá công tác quy hoạch tài nguyên nước, công tác tổng hợp thông tin, báo cáo tình hình thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững chưa kịp thời.
Tại hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Doãn Anh Thơ nhấn mạnh trong bối cảnh các nước và thế giới đang tiếp tục phải đối mặt với đại dịch COVID-19, để duy trì trạng thái bình thường mới, nỗ lực của các cơ quan kiểm toán tối cao trong việc tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và thông lệ tốt nhằm chung tay giải quyết các thách thức khu vực càng được ghi nhận và đánh giá cao.
“Việc tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán hợp tác về công tác quản lý nguồn nước tại lưu vực sông Mekong góp phần thúc đẩy vai trò của Cơ quan kiểm toán tối cao khu vực châu Á (ASOSAI) nói chung và các thành viên nói riêng trong lĩnh vực kiểm toán hợp tác việc quản lý nguồn nước đồng thời đóng góp vào việc thực hiện Chương trình nghị sự của ASOSAI về thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong Tuyên bố Bangkok và Kế hoạch chiến lược 2022-2027,” ông Thơ nói./.