Kiểm soát tốt dịch bệnh để Hòa Bình là điểm đến an toàn, chất lượng

Quý 1 năm 2020, ngành Du lịch tỉnh Hòa Bình ước tính đón gần 600.000 lượt khách, khách quốc tế 62.000 lượt, khách nội địa gần 500.000 lượt, đạt 54,9% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 17% kế hoạch năm.
Bến tàu du lịch tham quan Đền thờ Chúa Thác Bờ ngừng hoạt động. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Hòa Bình là địa phương có nền văn hóa truyền thống lâu đời, với tiềm năng du lịch hấp dẫn, phong phú và nhiều lễ hội cộng đồng dân tộc độc đáo.

Tỉnh Hòa Bình đã từng bước phát huy tốt giá trị các di tích, danh thắng trên địa bàn.

Thời gian qua, giá trị văn hóa và tín ngưỡng tại nhiều điểm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái đã được khai thác hiệu quả như: Bia Lê Lợi, Tượng đài Bác Hồ, Bia di tích quan hệ hữu nghị Việt-Lào ở thành phố Hòa Bình; Động Tiên; hang Luồn ở huyện Yên Thủy; Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan...

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian qua, lượng khách đến Hòa Bình đã giảm rõ rệt, nhất là khách quốc tế. Các lễ hội đầu năm thu hút đông đảo du khách đã tạm dừng tổ chức nên dẫn đến tình trạng khách hủy tour, hủy dịch vụ nhiều, đồng thời kéo theo các ngành thương mại dịch vụ như mua sắm, ăn uống cũng giảm.

Theo thống kê, trong quý 1 năm 2020, ngành Du lịch tỉnh Hòa Bình ước tính đón gần 600.000 lượt khách. Trong đó, khách quốc tế 62.000 lượt, khách nội địa gần 500.000 lượt, đạt 54,9% so với cùng kỳ năm 2019  và bằng 17% kế hoạch năm.

Tổng thu du lịch ước đạt 380 tỷ đồng, đạt 73,5% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 15,2% kế hoạch năm.

[Hướng dẫn viên du lịch làm gì để mưu sinh giữa ''cơn bão COVID-19''?]

Một số khu, điểm du lịch chỉ đạt 20% lượng khách so với cùng kỳ năm 2019 như: Khu Du lịch Chùa Tiên, huyện Lạc Thủy, Đền Thác Bờ, huyện Cao Phong và các điểm nghỉ dưỡng sinh thái Serena, Resort Kim Bôi, Ecolodge Mai Châu...

Thậm chí có những đơn vị giảm tới 95% như, Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Hòa Bình, Khu Du lịch sinh thái V-Resort, điểm du lịch sinh thái An Lạc Resort, huyện Kim Bôi và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, huyện Cao Phong. Công suất phòng tại các cơ sở lưu trú chỉ đạt 5-10%...

Bà Hoàng Tuyết Mai, Giám đốc điều hành Khu du lịch An Lạc Resort, huyện Kim Bôi cho biết từ đầu mùa dịch đến nay, trên 90% đoàn khách hẹn đặt lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại đây nhưng đều xin hủy lịch, dẫn đến doanh thu của đơn vị giảm mạnh.

Hiện tại, đơn vị đã phải bố trí cho nhân viên nghỉ luân phiên và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh an toàn để thu hút khách trở lại sau khi công bố hết dịch COVID-19 như phun hóa chất khử trùng toàn bộ khu vực sinh thái, nghỉ dưỡng, trang bị khẩu trang, nước rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng...

Trước tình hình trên, ngành Du lịch tỉnh Hòa Bình triển khai nhiều giải pháp để phấn đấu thực hiện mục tiêu đề ra trong năm 2020 là đón hơn 3 triệu lượt khách với tổng doanh thu du lịch dự kiến đạt 2.500 tỷ đồng.

Ông Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, ngành Du lịch Hòa Bình đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường giải pháp ứng phó.

Trong đó, các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về dịch COVID-19; hỗ trợ doanh nghiệp phun thuốc khử khuẩn tại các khu, điểm du lịch; thống kê trường hợp nhập cảnh từ vùng có dịch đến lưu trú tại tỉnh Hòa Bình.

Các đơn vị, địa phương phối hợp với cơ sở y tế kiểm tra, thực hiện cách ly y tế đối với trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19; cung cấp tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh tại những nơi đón tiếp du khách...

Ngoài công tác kiểm soát tốt dịch bệnh, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hòa Bình đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức hội nghị đưa ra các giải pháp ứng phó với những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh du lịch do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trong đó, ngành tập trung chủ yếu đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều hình thức với nội dung “Hòa Bình là điểm đến an toàn với dịch vụ chất lượng, sản phẩm du lịch phong phú và hấp dẫn”; xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch; đẩy mạnh triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, nhất là công trình bến xe, bến cảng, hệ thống viễn thông, thông tin liên lạc, công viên, vườn hoa.

Tỉnh huy động các doanh nghiệp triển khai chính sách kích cầu thu hút khách du lịch đến địa phương; tiếp tục tham gia hội chợ, hội thảo, triển lãm và sự kiện chuyên ngành du lịch...

Các khu, điểm du lịch thực hiện giảm giá dịch vụ, vé tham quan; thực hiện quy trình đảm bảo an toàn cho du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ; hình thành các tour kích cầu dành cho khách du lịch đi theo đoàn và từng bước xây dựng hình ảnh du lịch Hòa Bình điểm đến an toàn, hấp dẫn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục