Kiểm soát quyền lực, bịt kẽ hở để ngăn chặn tình trạng chạy chức

Theo ông Dương Hòa Hiệp, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Đồng Nai, quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền được đưa ra rất kịp thời.
Kiểm soát quyền lực, bịt kẽ hở để ngăn chặn tình trạng chạy chức ảnh 1Quang cảnh Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ghi nhận ý kiến một số cán bộ, đảng viên về nội dung, kết quả, ý nghĩa của hội nghị.

Ông Phạm Văn Hoàng, Trưởng ban Dân vận Thành ủy thành phố Long Khánh (Đồng Nai) cho rằng Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã dành nhiều thời gian để đánh giá 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020.

"Phải nói rằng chưa lúc nào vị thế của đất nước ta lại đàng hoàng như hiện nay. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với sự điều hành sáng tạo của một Chính phủ kiến tạo ngày càng thể hiện rõ trách nhiệm của mình đối với vận mệnh của đất nước, đã làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vững tin hơn, từ đó tiếp thêm động lực mới và nhiều kỳ vọng tốt đẹp cho đất nước phát triển nhanh, bền vững," ông Hoàng cho biết.

Về chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp, theo ông Phạm Văn Hoàng, Trung ương đã chỉ đạo sát sao từ các khâu xây dựng văn kiện, công tác nhân sự, làm sao để xây dựng Đảng ta ngày càng thực sự trong sạch vững mạnh, là đạo đức, là văn minh, là niềm tin của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 vừa qua cũng đã xem xét thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với hai đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, cho thấy sự quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương đối với những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất. Điều đó càng nhắc nhở đội ngũ đảng viên phải thường xuyên tự soi rọi lại mình, tu dưỡng rèn luyện đạo đức lối sống, luôn ra sức phấn đấu để xứng đáng là “công bộc” của nhân dân.

Ông Phạm Văn Hoàng cho biết thời gian qua một bộ phận người dân không khỏi băn khoăn trước những thông tin lệch lạc về chủ quyền biển đảo, tác động đến đời sống chính trị của đất nước; đề nghị Trung ương nên có nhiều thông tin chính thống hơn nhằm phản bác những luận điệu xuyên tạc, cũng như tạo niềm tin vững chắc đối với cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.

"Chúng tôi tin tưởng với sự quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương sẽ lãnh đạo đất nước ta vượt qua khó khăn, thách thức, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho cả năm 2019 và 2020; tổ chức thành công đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng," ông Hoàng tin tưởng.

Ông Dương Hòa Hiệp, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Đồng Nai cho biết thời gian qua, ông luôn dành thời gian theo dõi Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Trong những ngày diễn ra Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đều công bố những thông tin về chương trình, nội dung và kết quả làm việc, giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nắm được những thông tin chính yếu tại Hội nghị.

[Công tác chuẩn bị văn kiện và nhân sự nhìn từ Hội nghị Trung ương 11]

Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII có ý nghĩa quan trọng, trong đó Hội nghị đã thảo luận, đánh giá những kết quả trên lĩnh vực kinh tế-xã hội thời gian qua, đề ra phương hướng nhiệm vụ cho thời gian tới.

Ông Hiệp đề nghị Trung ương tiếp tục chú trọng đề ra các chương trình nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh hơn, qua đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, phải đấu tranh mạnh mẽ, xử lý triệt để tệ tham nhũng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, tăng uy tín của Đảng, đưa đất nước phát triển bền vững.

"Từ xa xưa, nhân dân ta đã có truyền thống đoàn kết, đây là sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam. Trong những cuộc chiến tranh, sức mạnh đoàn kết của người Việt Nam đã được thể hiện và kiểm chứng. Trong công cuộc đổi mới, Đảng cần đề ra chủ trương, chính sách phù hợp để giữ gìn, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc; để mọi người tự nguyện cùng chung tay góp sức vì sự nghiệp chung, xây dựng nước Việt Nam hùng cường," ông Hiệp cho biết.

Theo ông Dương Hòa Hiệp, để bảo vệ Tổ quốc, song song phát triển kinh tế, Đảng cần đẩy mạnh việc củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội mạnh. Khi Việt Nam có nền quốc phòng vững mạnh, các quốc gia sẽ không dám gây hấn, qua đó đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, tạo lập hòa bình bền vững.

Ông Dương Hòa Hiệp cho rằng để đưa đất nước phát triển sánh ngang với các cường quốc trên thế giới, Đảng cần đặc biệt chú trọng công tác cán bộ, bởi cán bộ là gốc của mọi công việc. Phải chọn những cán bộ vừa hồng vừa chuyên, có đạo đức trong sáng, luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Khi chọn cán bộ, Đảng cần chú trọng sắp xếp công việc chuyên môn một cách phù hợp, để người cán bộ phát huy được năng lực, phẩm chất của mình.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Đây là quy định được đưa ra rất kịp thời, góp phần kiểm soát quyền lực, bịt kẽ hở nhằm ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục