Kiểm soát HIV/AIDS bằng mô hình đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm

Cần Thơ được chọn triển khai mô hình đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm, với sự phối hợp của hệ thống y tế địa phương, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam trao tặng Giấy khen cho các đơn vị có nhiều đóng góp trong triển khai mô hình đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Ngày 22/11, tại thành phố Cần Thơ, Sở Y tế tiếp và làm việc với Đoàn công tác Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam về kết quả kiểm soát HIV/AIDS bằng mô hình đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper bày tỏ sự vui mừng trước các thành tựu mà ngành Y tế thành phố Cần Thơ đạt được trong nỗ lực kiểm soát HIV/AIDS. Trong đó, mô hình đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm được cho là giải pháp kiểm soát HIV nhanh, trọng tâm, bền vững. Đây là mô hình được các quốc gia như Ấn Độ, Philippines… áp dụng hiệu quả. Mô hình được phát triển dựa trên nền tảng “người trong cuộc nói cho người trong cuộc nghe”. Các hoạt động tư vấn, truy vết, kết nối điều trị, phát vật phẩm hỗ trợ… đều có sự tham gia đắc lực của các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO).

Tại Việt Nam, Cần Thơ là địa phương được chọn triển khai mô hình, với sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống y tế từ Trung ương tới địa phương, cùng sự hỗ trợ kinh phí, vật lực, giải pháp từ Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC Mỹ), Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID)…

Ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, Cần Thơ có khoảng 4.950 bệnh nhân HIV còn sống. Các trường hợp lây nhiễm HIV chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn (97%), tập trung ở nhóm tuổi trẻ 16-29 tuổi (chiếm gần 42%), nam giới gấp 5 lần nữ giới... Đặc biệt, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm hơn 2/3 số trường hợp lây nhiễm HIV phát hiện được.

Nhờ triển khai mô hình đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm, 3 năm qua, Cần Thơ đã cơ bản khống chế sự bùng phát của dịch HIV; số trường hợp nhiễm HIV phát hiện được qua hai năm gần đây đang giảm; tăng tỷ lệ bệnh nhân nhiễm HIV được kết nối điều trị ARV; tăng tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ dự phòng và chăm sóc, đặc biệt là chương trình PrEP. Nhờ mô hình, các khoảng trống dịch vụ được cải thiện đáng kể, huy động được sự tham gia mạnh mẽ của đoàn thể, các tổ chức dựa vào cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS.

Ông Hoàng Quốc Cường mong muốn Chính phủ Mỹ, thông qua các đơn vị trực thuộc, tiếp tục hỗ trợ Cần Thơ có thêm nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ khống chế HIV, tiến tới chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 theo chiến lược chung của quốc gia.

Chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm, anh Phạm Trương Kim Dương - Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Glink Cần Thơ (Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS giúp cộng đồng dự phòng và điều trị HIV) cho rằng, những chiến dịch truyền thông tại cộng đồng hiệu quả là nhờ người tư vấn cũng là người trong cuộc, thấu hiểu đối tượng tư vấn cần gì, cần phải tiếp cận như thế nào để người được tư vấn tin tưởng. Các hoạt động này giúp nâng cao hiểu biết về HIV/AIDS, xét nghiệm, tự xét nghiệm, dự phòng trước phơi nhiễm PrEP, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chủ động kiểm tra HIV định kỳ, xóa bỏ sự kỳ thị với những người sống chung với HIV.

Các hoạt động truyền thông, hỗ trợ mà các tổ chức dựa vào cộng đồng tại Cần Thơ triển khai trong thời gian qua đã tiếp cận nhiều đối tượng khác nhau, không chỉ tập trung vào nhóm đích mà còn mở rộng đến các nhóm tiềm ẩn nguy cơ như: học sinh, sinh viên, cán bộ, nhân viên ở các cơ quan, công nhân tại các khu công nghiệp.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ (CDC Cần Thơ), kể từ ca nhiễm HIV được phát hiện lần đầu tiên tại Cần Thơ vào năm 1991, đến nay, lũy tích số người nhiễm HIV tại thành phố là 7.732 người, trong đó số tử vong là 2.782 người, số còn sống là 4.950 người. Nhờ triển khai mô hình đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm, số ca nhiễm HIV phát hiện mới những năm gần đây có xu hướng giảm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục