Kiểm soát đồ uống có đường, giảm thiểu gánh nặng thừa cân béo phì

Bộ Y tế đề xuất tất cả các đồ uống có đường theo định nghĩa của WHO có mặt trên thị trường đồ uống Việt Nam, kể cả các loại nước hoa quả lên men có cồn, đều cần chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ảnh minh họa.

Sáng 23/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo khoa học về tiêu thụ đồ uống có đường đối với sức khỏe và tác động của chính sách thuế, giá.

Với hai phiên làm việc, các đại biểu đã trao đổi thông tin liên quan đến bệnh tật liên quan đến đồ uống có đường; tình hình xu hướng tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt trong kiểm soát đồ uống có đường; giảm thiểu gánh nặng thừa cân béo phì tại Việt Nam, ước tính tác động của chính sách thuế đồ uống có đường...

Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Diễm, Phó trưởng Phòng kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã định nghĩa đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do như đồ uống có ga hoặc không có ga; nước ép, nước pha từ trái cây, rau; chất cô đặc lỏng hoặc dạng bột; nước có hương vị; nước uống tăng lực, tăng cường thể thao; trà uống liền, cà phê uống liền và sữa có hương vị.

WHO khuyến cáo ở cả người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do xuống dưới 10% tổng năng lượng tiêu thụ; giảm hơn nữa mức tiêu thụ các loại đường tự do xuống dưới 5% (25g) mỗi ngày sẽ có lợi hơn cho sức khỏe.

Hiện nay, gánh nặng sức khỏe ngày càng tăng do tiêu thụ đồ uống có đường. Có bằng chứng liên quan đến việc tiêu thụ đồ uống có đường với sự gia tăng toàn cầu về thừa cân béo phì, nguy cơ sâu răng, đái tháo đường tuýp 2, tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, các rối loạn chuyển hóa khác và một số bệnh ung thư. Đồ uống có đường còn gây ra gánh nặng cho cá nhân, xã hội khi làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, giảm năng suất lao động do bệnh tật, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân.

Đồng thời, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo: Trẻ em từ 2 đến 18 tuổi nên hạn chế lượng đường tiêu thụ thêm xuống dưới 6 muỗng càphê (25gam) mỗi ngày, tức là dưới 5% tổng năng lượng nạp vào và đồ uống có đường nên được giới hạn không quá 235ml mỗi tuần. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất cứ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.

[Nguyên nhân và các biện pháp phòng chống căn bệnh béo phì]

Theo đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, ước tính Việt Nam có khoảng 1.800 cơ sở sản xuất nước giải khát cung cấp việc làm trực tiếp cho hơn 300.000 lao động và việc làm gián tiếp cho hàng triệu lao động.

Báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình hình thực hiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cho thấy, số liệu tiêu thụ nước giải khát ở Việt Nam năm 2018 là 50,7 lít/người/năm. Sản lượng đồ uống và nước ngọt có ga tại Việt Nam lần lượt là 3,3 tỷ lít và 1,5 tỷ lít năm 2020; tỷ lệ trung bình tiêu thụ đồ uống chung tại Việt Nam năm 2020 là khoảng 34,1 lít/người/năm, tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt có ga là 15,5 lít/người/năm.

Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ với độ tuổi từ 15-45 chiếm hơn 46%, đây là độ tuổi được đánh giá là có nhu cầu cao về các loại nước giải khát và là đối tượng đích của nhà sản xuất.

Một số khảo sát cho thấy việc sử dụng đồ uống có đường ngày càng gia tăng ở Việt Nam, đặc biệt là nhóm tuổi trẻ. Trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo (dưới 25g/ngày) của WHO.

Hiện nay, thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm lượng tiêu thụ đối với đồ uống có đường, trong đó chủ yếu là 4 biện pháp: Ghi nhãn và quảng cáo; giảm tính sẵn có; hoạt động truyền thông; áp dụng chính sách thuế và giá.

Đối với biện pháp áp dụng chính sách thuế và giá, WHO khuyến cáo đánh thuế đối với đồ uống có đường là chính sách quan trọng nhằm giảm mức tiêu thụ, từ đó ngăn ngừa thừa cân, béo phì và tác hại của đồ uống có đường đến sức khỏe.

Tại dự thảo đánh giá tác động chính sách sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt quy định đánh thuế đồ uống có đường, Bộ Y tế cho rằng, căn cứ trên mức tăng trưởng tiêu dùng rất cao của các dòng sản phẩm nước ép hoa quả, thức uống thể thao, nước tăng lực, các loại trà uống liền giai đoạn 2010-2019 và dự báo mức tăng trưởng dương từ 3-5% giai đoạn 2020-2025 có thể nhận thấy trong tương lai không xa, các sản phảm này sẽ tiếp tục góp phần làm tăng lượng đường tiêu thụ ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, dòng sản phẩm đồ uống có cồn có đường dưới dạng nước hoa quả lên men (cider) tuy mới xuất hiện trên thị trường nhưng ngày càng được vị thành niên Việt Nam và nữ giới ưa thích, sẽ góp phần làm tăng lượng đường tiêu thụ ở nhóm người tiêu dùng này.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đề xuất tất cả các đồ uống có đường theo định nghĩa của WHO có mặt trên thị trường đồ uống Việt Nam, kể cả các loại nước hoa quả lên men có cồn, đều cần chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thông qua chính sách thuế đồ uống có đường, lợi ích thu được không chỉ trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, còn nằm ở việc tăng ngân sách, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe. Với những lợi ích có thể đạt được, chính sách thuế đồ uống có đường cần được triển khai như một chiến lược hợp tác liên ngành, thay vì chỉ là một chính sách y tế để bảo đảm việc thi hành đạt hiệu quả cao nhất.

Thông điệp về việc đánh thuế đồ uống có đường để chuyển đổi xu hướng tiêu dùng sang các lựa chọn lành mạnh hơn, cần được nêu cao và phổ biến rộng rãi.../.

Nhấp chuột để xem kích thước chuẩn.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục